Một Đời Vấn Vương - Huân Y Thảo - Chương 5: Tôi nằm vạ ở đây
Vạt nắng cuối ngày nhuộm vàng những ngọn cây xanh sau lưng bệnh viện, đi qua khung cửa sổ, chiếu lên bộ quần áo trắng tinh mịn trên người anh.
Tôi thinh lặng nhìn Tịch Đông ngồi trên giường đăm chiêu với hộp nhẫn trong tay một lúc khá lâu.
Gió thu nhẹ nhàng lay ngọn tóc đen nhánh trước trán anh, một nỗi hiu hắt khó tả vương trên đôi mắt phượng. Tôi bỗng thấy lòng mình man mác buồn theo.
Những gì bác sĩ nói Tịch Đông đều đã nghe thấy, có lẽ tâm trạng của anh bây giờ cũng rối rắm chẳng khác gì tôi.
Chần chừ hồi lâu tôi mới mở miệng được:
“Xin lỗi, vì sự bất cẩn của tôi đã gây ra tai nạn, khiến anh trở thành bộ dạng thế này.”
Dường như Tịch Đông không nghe thấy lời tôi, mà cứ chăm chú với chiếc nhẫn bên trong hộp nhỏ. Từ lúc tỉnh lại anh luôn giữ chặt nó, xem như món bảo vật không thể rời thân.
Tôi có chút tò mò:
“Hình như anh rất quan tâm đến chiếc nhẫn đó?”
Những ngón tay thon đẹp khẽ siết quanh thân hộp, anh trầm mặc một lúc rồi lắc đầu:
“Cũng không biết nữa, chỉ có cảm giác thứ này rất quan trọng với tôi.”
Anh ve vuốt áng mây khắc trên chữ “Vấn Vương”, đáy mắt hiện lên một nỗi buồn mờ nhạt.
Tôi cũng tin là thế, vì ngay cả lúc anh ngất đi, năm ngón tay vẫn không hề buông lỏng, ắt hẳn thứ này phải chứa đựng cả trái tim anh.
Lưu luyến nhìn nó thêm một chút, anh đóng chiếc hộp lại rồi quay sang hỏi tôi:
“Lúc nãy nghe cô gọi tên tôi, có phải trước đây chúng ta từng quen biết nhau không?”
Tôi không giấu anh, gật đầu thừa nhận.
Anh cười ngại ngùng, có ý nhờ vả:
“Vậy cô có thể giúp tôi liên lạc với người nhà không? Ngoài hộp nhẫn này, trên người tôi chẳng có bất cứ giấy tờ nào chứng minh thân phận của mình.”
Trông dáng vẻ khổ sở của Tịch Đông lúc này, lòng tôi dấy lên chút thương xót. Nhưng tôi chỉ nói với anh:
“Quả thật chúng ta từng là bạn học cùng trường, sau khi tốt nghiệp trung học thì anh đã theo gia đình sang nước ngoài và biệt tích, nhiều năm nay không ai biết anh ở đâu, cũng không có cách nào liên lạc với người thân của anh. Càng không biết vì sao anh lại thình lình trở về Thiên Điểu.”
Và chẳng dám nhắc nhớ gì đến câu chuyện cũ dang dở của chúng tôi.
Trong mắt anh hiện lên vài tia thất vọng, nhưng rồi nhanh chóng giấu đi, không nói gì.
“Tôi chỉ có thể dẫn anh đến sở cảnh sát trình báo, nhờ họ giúp đỡ. Nếu anh về nước cùng người thân, chắc chắn họ sẽ sớm liên lạc với cảnh sát để tìm anh.”
Nghe thấy vậy, Tịch Đông gật gật đầu, nói “cảm ơn” tôi.
Nhìn đồng hồ đeo tay đã điểm hơn bốn giờ chiều, tôi khuyên anh nên nằm xuống nghỉ ngơi, rồi đi ra bên ngoài lo liệu một số thủ tục cần thiết.
Xong việc, tôi quay lại phòng bệnh và căn dặn Tịch Đông:
“Tiền viện phí đã được thanh toán, bệnh viện có nhân viên phục vụ chuyện ăn uống cho bệnh nhân, anh cứ yên tâm ở lại đây.”
Tôi lấy ra từ trong ví một tờ giấy ghi chú màu vàng, viết lại số điện thoại rồi đưa cho anh:
“Đây là số di động của tôi, có chuyện gì anh cứ xuống quầy lễ tân bệnh viện nhờ họ liên lạc cho tôi.”
Anh đón lấy tờ giấy, bất an ngước nhìn tôi:
“Cô không ở lại đây được sao?”
Tôi cười, nghĩ anh có ý sợ tôi bỏ trốn:
“Yên tâm đi, chuyện tôi gây nên, tôi sẽ tự chịu trách nhiệm.”
Có vẻ Tịch Đông nhìn ra tôi nghĩ gì, anh lúng túng quay đi nơi khác, như không muốn để tôi trông thấy biểu cảm trên mặt anh. Giọng nói càng về sau càng nhỏ dần:
“Tôi không phải có ý này. Chỉ là không muốn ở bệnh viện một mình.”
Tim tôi như chùng nhịp. Một người vốn lành lặn vừa mới trải qua tai nạn bất ngờ, mất đi trí nhớ, đến cả bản thân mình là ai cũng không rõ, xung quanh chẳng có người quen biết để nương nhờ, quả thật là một chuyện đáng sợ.
Nếu đổi lại là tôi nhất định sẽ hoảng loạn mà khóc lóc không ngừng, sao có thể bình tĩnh được như anh.
Thấy tên tôi được ghi bên trong tờ giấy, anh mấp máy gọi nhỏ:
“Phù Vân.”
Tim tôi chợt run lên, chẳng nhớ đã bao lâu rồi cái tên tôi không được gọi dịu dàng như thế. Mà có lẽ vì là được thốt ra từ miệng anh, nên nó mới đặc biệt dịu dàng.
Tôi ngậm chặt môi mình, cố gắng tìm lời thuyết phục anh:
“Bây giờ tôi có việc phải về nhà, anh cứ ngoan ngoãn ở lại bệnh viện, ngày mai sau khi tan làm tôi sẽ lập tức vào thăm anh. Được không?”
Tịch Đông miễn cưỡng gật đầu, cẩn thận nắm tờ giấy ghi chú tôi để lại trong lòng bàn tay.
Thấy anh chịu nghe lời tôi cũng yên tâm đôi chút, đứng dậy và bước ra khỏi phòng bệnh.
Mặc dù không quay đầu lại, nhưng tôi có thể cảm nhận được ánh mắt anh đang nhìn theo bóng lưng mình.
Từ nơi sâu thẳm nhất trong lòng dội lên những trận giông bão âm ỉ không thôi.
Hành lang dài có biết bao người, vậy mà tai tôi chỉ nghe thấy tiếng bước chân mình rất nặng.
Rất muốn nói với anh về những ấm ức tôi phải chịu, những tổn thương và quá khứ bị trêu đùa, muốn anh cho tôi một câu giải thích. Nhưng chuyện cũ với anh bây giờ như một tờ giấy trắng, nói ra cũng ích gì?
Không có gió đông ấm, không có trái tim thâm tình, nên tôi tự xoa lấy vết thương trong lòng mình, an ủi rằng: “anh quên tôi càng tốt.”
Sẽ chẳng ai biết tôi từng yêu thầm một người, cũng chẳng ai nhớ tôi từng hèn mọn ra sao khi bị người ta từ chối.
Tôi không oán hận anh, chỉ là cảm thấy tim mình nghẹn thắt.
Anh nào yêu tôi, anh chỉ xem tôi là em gái nhỏ, sao phải cố bắt ép người khác đón nhận tình cảm của một kẻ mà họ không thương. Là tôi quá cố chấp, nên sáu năm trước đã được một trận đớn đau làm bài học.
Tôi chỉ giận anh luôn im lặng, giận anh rời đi, không nói lời nào.
Những tháng ngày xấu hổ đó cứ để nó chết chìm trong hồi ức như vậy đi.
Ngồi vào trong ô tô, tôi phát hiện chiếc di động của mình bị rơi xuống sàn xe reo lên inh ỏi, trên màn hình là dãy số điện thoại bàn dài ngoằng.
Không nghĩ nhiều, tôi nhặt nó lên và bắt máy:
“Alo, tôi là Phù Vân, cho hỏi ai vậy?”
Đầu dây bên kia vô cùng yên ắng, kể cả hơi thở của người gọi đến cũng không nghe thấy. Tôi “alo” thêm một, hai tiếng vẫn chẳng có ai hồi đáp, cho rằng số điện thoại rác cố ý làm phiền nên cảm thấy rất khó chịu.
Khi tôi định tắt máy, trong điện thoại truyền ra một âm giọng trầm ấm, ngập ngừng:
“Phù Vân, là tôi, Tịch Đông.”
Tôi ngạc nhiên nhìn lại lần nữa dãy số hiện trên màn hình di động, chưa kịp thắc mắc, đã nghe:
“Là tôi nhờ lễ tân gọi cho cô.”
Tôi chỉ “ừm” qua loa một tiếng, rồi hỏi anh:
“Có chuyện gì?”
“Tôi cảm thấy không được khỏe, đầu tôi rất khó chịu, rất đau. Cô có thể quay lại đây không?”
Thật sự tôi đã cảm thấy lo lắng, lúc nãy vẫn ngồi nói chuyện với nhau rất bình thường, bác sĩ cũng bảo sức khỏe anh đã ổn định, sao vừa quay lưng đi liền không ổn nữa rồi.
Nhưng vì sự an toàn của anh, tôi buộc phải lập tức trở lại phòng bệnh, xem tình hình.
Xui xẻo là lúc tôi đến nơi thì cửa thang máy vừa kịp đóng, nếu phải đợi sẽ mất thêm một chút thời gian. Chỉ cần nhớ tới hình ảnh Tịch Đông ôm đầu quằn quại khi bị tôi truy hỏi, lòng tôi đã thấy không yên.
Cũng chẳng rõ bản thân đang suy nghĩ cái gì, tôi không do dự mà chạy vào thang bộ. Phòng bệnh anh nằm ở tầng bốn, cứ vậy một mạch lên đó.
Hớt hải chạy đến nơi, tôi nhanh chóng thông báo với bác sĩ, rồi tức tốc đi tìm Tịch Đông.
Nhưng có vẻ mọi chuyện không nghiêm trọng như tôi tưởng tượng.
Vào tới cửa đã thấy anh ngồi ngay ngắn trên giường, ngước nhìn vị bác sĩ và vài ba y tá theo sau lưng tôi, cười gượng như đứa trẻ phạm lỗi:
“Sao đông người vậy?”
Tôi thở hổn hển, vẫn cứ ngây thơ mà quan tâm:
“Anh làm sao rồi? Bị đau ở chỗ nào?”
Tịch Đông hơi nhăn mặt, nhìn tôi bằng vẻ tội lỗi:
“Tôi… Thật ra tôi không bị sao hết.”
“Hả?”
Tôi há hốc miệng hỏi anh, theo sau là cơn tức giận.
Tịch Đông hơi cúi mặt, không dám nhìn thẳng vào mắt tôi nữa. Lí nhí “xin lỗi.”
Cố gắng điều chỉnh nhịp thở lại bình thường, quá tức giận tôi đánh một cái thật mạnh vào vai anh, có hơi to tiếng:
“Anh giỡn mặt với tôi sao? Anh có biết tôi đã…”
Tôi không nói nổi nữa, lườm anh dữ dội.
Bác sĩ vỗ vai tôi, can ngăn:
“Cô bình tĩnh đi, bệnh nhân không sao thì tốt rồi.”
Thấy tôi tức giận, anh bước tới trước mặt tôi, bày ra bộ mặt hối lỗi:
“Phù Vân, cho tôi xin lỗi.”
Tôi không thèm nhìn anh, quay đi chỗ khác.
Anh lại bước tới gần, vụng về nắm góc áo tôi, giật giật bằng điệu bộ đáng thương.
Nhỏ giọng năn nỉ:
“Tôi thấy không thoải mái khi ở trong bệnh viện, cô có thể cho tôi về nhà cùng cô không?”
Tôi mở to mắt hung dữ với anh:
“Không được.”
Sau khi mẹ qua đời, tôi luôn sống một mình, sao có thể để đàn ông ở trong nhà của tôi chứ.
Bác sĩ bỗng nhiên cười vui, nói với tôi:
“Nếu chồng cô ở lại đây cảm thấy không thoải mái, vẫn có thể về nhà tĩnh dưỡng, chúng tôi sẽ phân công bác sĩ đến nhà theo dõi sức khỏe cho anh Tịch khi cần thiết.”
Hình như có một chữ không đúng lắm vừa lọt vào tai tôi, nghe chẳng hay một chút nào.
Vậy là tôi liền giải thích:
“Anh ấy không phải chồng tôi. Chúng tôi…chúng tôi chỉ là bạn bè thôi.”
Bác sĩ không nói thêm gì, chỉ cười cười rồi đi mất, nhìn biểu cảm trên mặt ông ấy chẳng có chút nào là tin lời tôi.
Hai cô y tá vừa quay lưng đi theo vị bác sĩ đó thì liền bàn tán, nhìn nhau cười khúc khích:
“Đôi vợ chồng son nào cũng thường hay cãi vã, dăm ba ngày lại làm lành cho xem.”
Mặt tôi đỏ bừng như tôm bị luộc chín, hai chữ “bất lực” hiện to đùng trên trán. Không biết phải làm cách gì để họ chịu tin lời mình.
Tôi liếc nhìn anh, Tịch Đông giật mình dời ánh mắt từ trên người tôi ra nơi khác.
Tôi “hừ” lạnh một tiếng, thể hiện sự nóng giận bên trong:
“Không phải anh đã đồng ý ở lại bệnh viện theo dõi rồi sao?”
Anh tháo ngay lớp mặt nạ ngoan ngoãn xuống, đổi thành kiểu ăn vạ, đáng thương:
“Cô đã nói sẽ chịu trách nhiệm rồi còn gì, tôi không muốn ở nơi ngột ngạt khó chịu này đâu. Làm ơn cho tôi theo cùng được không?”
Tôi lạnh lùng:
“Mặc kệ anh.”
Nói rồi, tôi tức giận co chân bước nhanh ra khỏi bệnh viện, một khắc cũng không thèm ngoảnh đầu.
Sáu năm rồi, cái tính ương ngạnh của anh vẫn thế, đúng là “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.” Vậy mà còn nhọc lòng lo lắng, còn nghĩ anh đã thay đổi thành kiểu chững chạc lạnh lùng, thật là nực cười.
Vừa ngồi vào trong xe, thắt dây an toàn, tôi vừa lầm bầm mắng anh.
Đột nhiên tôi nghe thấy ở ghế sau có tiếng gì đó như vật nặng rơi xuống. Quay đầu lại nhìn, thì đã thấy tên đáng ghét đó đang ngồi trong xe.
Trời ơi. Đầu tôi sắp bốc lửa rồi.
“Sao anh vào được đây?”
Tôi lớn tiếng hỏi anh sau khi qua cơn giật mình.
Tịch Đông mở to mắt nhìn tôi, cười và trả lời một cách rất tự hào:
“Tôi đi theo sau cô xuống đây.”
Tôi xuống xe, mở cửa ghế sau và kéo tay anh ra khỏi ô tô. Nhưng không sao làm lại cái con người to xác đó.
Anh cứ ngồi lì trong xe, kêu than:
“Cô định gây ra tai nạn xong thì không chịu trách nhiệm nữa sao? Tôi đang là bệnh nhân đó, đừng có mạnh tay như vậy.”
Tôi buông anh ra, gắt giọng hỏi anh:
“Tịch Đông. Rốt cuộc thì anh muốn cái gì đây hả?”
“Tôi không muốn ở lại bệnh viện, muốn đi cùng cô.”
Tôi dứt khoát từ chối:
“Không được. Anh mau xuống xe cho tôi.”
Anh nằm vật ra hàng ghế sau, mặc kệ tôi lôi kéo:
“Không đi, tôi nằm vạ ở đây, không đi đâu hết.”