Lai Sinh: Tương Tư Huyễn Mộng - Vân Lãnh Nguyệt (Thích Vị) - Chương 6: Dặn dò
Mẫu phi của nàng, người phụ nữ cao cao tại thượng có thể mặt không đổi sắc quyết đấu một trận oanh oanh liệt liệt với hoàng tổ mẫu và mẫu hậu thế mà lại có ngày phải kiêng dè một Quận chúa Nhị phẩm.
Thấy sắc mặt ngỡ ngàng của con gái nhỏ, Thuần Quý phi thở dài.
Bà thật sự đã quá nuông chiều đứa con này rồi.
“Không cần phải kinh ngạc. Trên đời này vẫn còn rất nhiều thứ mà con không biết. Oanh Ca, con phải nhớ kỹ lời này của bổn cung, Thái Bình Quận chúa là một người mà con không thể đắc tội. Tuyệt đối không được phép đắc tội! Hơn nữa kể từ hôm nay con nhất định phải kết thân với Lạc Trường An hoặc ít nhất cũng không được để lại hiềm khích trong lòng nha đầu đó. Tương lai chúng ta đều phải nhờ vào mẫu tử họ.”
Thuần Quý phi dạy bảo xong xuôi. Bà nhìn gương mặt ngơ ngác của Âu Dương Oanh Ca mà phiền lòng không thôi, thế rồi phất tay bảo Ngũ Công chúa trở về phòng nghỉ ngơi.
Nhìn bóng lưng nữ nhi khuất sau cánh cửa, Thuần Quý phi ngả lưng trên ghế trầm tư một lúc sau đó lại kêu nô tỳ Đỗ Quyên vào dặn dò bên tai nàng.
Lúc này trăng đã lên cao, ở một góc nào đó nơi thành phủ uy nghiêm, ánh trăng chiếu xuống mặt đất soi đến từng ngọn cỏ lộ ra nơi trú ẩn của lũ ve sầu kêu réo rắt suốt đêm sương.
Gió đêm nay có vẻ rất lạnh, lạnh đến mức đám nô tài trông cửa ngoài kia ôm lấy đôi vai run cầm cập.
Họ đứng nép người vào cánh cửa để cảm nhận chút hơi ấm ít ỏi tỏa ra từ căn phòng. Nhưng cơn gió ấy vẫn không buông tha bất kỳ ai, hoặc có thể chính nó cũng không biết được việc tốt mà mình gây ra. Gió vẫn cứ vô tư rong chơi khắp mọi nẻo đường, luồn qua hàng cây, bay là là bên ngọn cỏ rồi lách vào khung cửa sổ, lướt khẽ qua gò má nam nhân.
Bên ánh đèn, nam nhân ấy nằm tựa người trên ghế thiếp đi. Hàng mi hắn khẽ động đậy, chân mày nhíu chặt tựa hồ bản thân đang nhìn thấy một điều gì đó vô cùng khó chịu.
Nam nhân đứng giữa mặt hồ. Xung quanh hắn bao phủ bởi sương mù dày đặc, ẩn hiện trong đó dáng hình một thiếu nữ.
Nàng ấy khoác trên mình bộ hỷ phục loang lổ các vết đậm nhạt khác nhau đến mức hắn không thể phân biệt được sắc đỏ trên đó đâu là màu máu còn đâu là màu vải. Màu đỏ ấy cứ như một cơn lốc xoáy hóa thành tên đâm thẳng vào mắt.
Vô cùng nhức nhói!
Hắn nheo mắt nhìn thật rõ, trái tim cứ như bị ai đó bóp nghẹt, đôi chân muốn nhấc lên lại chẳng thể động đậy, đôi tay muốn vươn lên lại không thể nhúc nhích. Cơ thể hắn không còn nghe theo sự điều khiển của chính mình, hệt như một khúc cây vô tri cứng nhắc ngã dần ngả dần về sau.
Trong sự hốt hoảng ấy, hắn trơ mắt nhìn bóng dáng yêu kiều ngày một xa dần rồi biến mất trong làn sương. Đôi mắt hắn trừng to, cổ họng rít lên âm thanh tan vào trong gió.
An… An…
Hậu viện phủ Bình Nguyên Hầu ngoài chính thất phu nhân là Thái Bình Quận chúa còn có tổng cộng bốn vị di nương khác là Liễu di nương Liễu Tư, Thái di nương Thái Thường San, Mã di nương Mã Thiển Thu và Trương di nương Trương Quý.
Tuy số lượng đông đúc nhưng trong các vị di nương thì chỉ có Liễu di nương là may mắn có được một mụn con là thứ trưởng nữ Lạc Thanh An. Còn các vị di nương còn lại có người dù đã nhập phủ hơn mười năm nhưng vẫn không có được phúc phần đó. Hiển nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc thân phận Liễu di nương sẽ cao hơn ba vị kia một bậc. Vì vậy mà hai mẹ con bà được đặc cách sống riêng một viện phía nam còn ba vị di nương Thái, Mã, Trương đều phải chung sống cùng nhau tại Đông viện nơi chật hẹp nhất trong cả hậu viện.
Ngoài ra phủ Bình Nguyên Hầu còn có ba chính viện khác là Nguyên Đình viện của Thái Bình Quận chúa cùng Bình Nguyên Hầu, Tây viện dành cho đích trưởng tử Lạc Trường Khang và đích thứ nữ Lạc Trường An và Bắc viện dành cho khách nhân lưu lại trong phủ.
Lúc này tại Nam viện, Liễu di nương đứng trước Thanh Hoà cư của Lạc Thanh An mà thở dài một hơi. Ánh nắng ban mai xuyên qua hàng cây như chiếu vào nỗi lo lắng phiền muộn của bà.
“Di nương, Đại tiểu thư thức dậy rồi!” Nha hoàn Quế Hoa bên người Lạc Thanh An bước ra bẩm lại với Liễu di nương.
Liễu di nương gật đầu với tiểu nha hoàn. Bà nâng gót sen bước vào phòng nữ nhi.
Trong phòng, Lạc Thanh An vừa tỉnh dậy. Nàng đang ngồi trước bàn được nha hoàn chải tóc trang điểm. Vừa thấy Liễu di nương, Lạc Thanh An liền đứng dậy hành lễ.
Liễu di nương vừa định bước đến ngăn cản nhưng nhớ đến lời nói của Lưu ma ma lại thôi. Cứ coi như là một phần hiếu tâm của nữ nhi vậy.
Đêm qua khi xảy ra sự cố kia, sau khi Lạc Trường An ngất xỉu được đưa vào cung Vĩnh Thọ chăm sóc còn Lạc Thanh An nhờ phúc của đích mẫu cũng được thái y bắt mạch kê thuốc rồi đưa về phủ nghỉ ngơi. Qua một đêm tịnh dưỡng, sắc mặt Lạc Thanh An đã tốt hơn rất nhiều.
“Thanh An, con thấy sao rồi? Đầu có còn cảm thấy đau nhức không? Để ta xem…” Liễu di nương vừa vào phòng liền bước đến nhìn kỹ nữ nhi bảo bối một lượt từ đầu đến chân. Đêm qua khi thấy nữ nhi trở về phủ với sắc mặt tái nhợt lại còn nghe kể về chuyện rơi xuống hồ, Liễu di nương đã sợ suýt đứng tim.
Ngắm đi ngắm lại một lúc bà mới thở phào nhẹ nhõm: “May mà không bị thương ngoài da, nếu không để lại sẹo thì không tốt.”
Liễu di nương nhận lấy tách trà mà Quế Hoa dâng lên hớp một ngụm. Nhân lúc nữ nhi còn đang chải chuốt, bà liền đem lo lắng mà mình trằn trọc cả đêm nói ra một hơi thật dài.
“Hôm qua trước khi xuất phát ta đã dặn dò con thật kỹ. Sao con lại cứ không biết nghe lời như vậy? Con đó, ngay cả Ngũ Công chúa và Bát Hoàng tử mà cũng dám chọc vào. Cũng may là nhị vị quý nhân không xảy ra chuyện gì bất trắc nếu không thì dù có mười cái mạng của ta cũng không đủ đền. Còn Tam tiểu thư nữa, từ bé thân thể Tam tiểu thư đã yếu ớt. Con thì hay rồi. Ngã xuống nước cũng phải kéo người ta theo. May là phu nhân nể tình con đang nhiễm lạnh trong người mới tạm thời không truy cứu. Thanh An, nghe lời di nương, ngày mai Tam tiểu thư hồi phủ con và ta cùng đi đến Tây viện thể hiện chút thành ý. Hy vọng phu nhân không để bụng chuyện này.”
Lạc Thanh An càng nghe càng cảm thấy chói tai: “Di nương người không ở đó nên không biết lúc đó Ngũ Công chúa quá đáng đến cỡ nào. Nữ nhi chỉ thấy chuyện bất bình ra tay tương trợ. Có gì là sai? Vả lại người nữ nhi cứu lúc đó là Bát Hoàng tử, chẳng lẽ Hoàng tử đương triều lại chẳng quý hơn một Công chúa sao? Còn nữa lúc đó rớt xuống hồ là sự cố không ai muốn. Người lại bắt một trưởng tỷ như con cúi đầu xin lỗi Tam muội? Người không cảm thấy vô lý sao?”
Càng nói Lạc Thanh An càng ấm ức trong lòng: “Con là nữ nhi ruột thịt do người sinh ra đó! Bình thường sao không thấy người nói chuyện mau lẹ như vậy? Sao cứ hễ nhắc đến Tam muội là người lại có thể thao thao bất tuyệt nói mãi không chịu dừng. Mẫu thân, nhiều lúc nữ nhi nghĩ không biết bản thân có phải là thân sinh của người hay không nữa?”