Hồi Đáo Lê Triều - Dạ Du - Chương 22: Mất Dấu
Ta giật mình có phải thấy chính ta?
Miền tiềm thức bóng chàng mờ lại tỏ,
Người trong mộng hay người trong định mệnh?
* * *
Lê Hạo bất lực nhìn con thuyền từ từ mất dạng sau bóng đêm dày đặc, chàng hoang mang tột cùng chỉ biết thúc ngựa tiếp tục chạy dọc bờ sông mong gặp một đường vòng nào đấy có thể sang bên kia đồi.
Gió mỗi lúc một mạnh hơn xua những tán cây xào xạc trên đầu, không khí mang theo hơi nước bám chặt vào da thịt rét buốt. Xa xa, Lê Hạo bỗng thấy một ánh đèn mờ ảo cứ sáng lên rồi mờ mờ sắp lịm đi theo nhịp gió đưa, chàng mừng rỡ lao nhanh đến để hỏi đường. Thật may, đấy là thuyền bắt cá nhỏ của gia đình một người dân trong trấn Lạng Sơn, đêm nay họ giăng lưới nên ngủ lại trên sông để canh chừng kẻ trộm đến lấy mất cá. Qua đôi lời hỏi thăm, Lê Hạo được biết con sông này trãi dài đến tận biên giới Đại Việt và lãnh thổ của Minh Triều, muốn sang bên kia đồi thì chỉ có thể đi bằng thuyền. Không còn cách nào khác, Lê Hạo sau phút đắn đo đã quyết định lấy lệnh bài Vương Gia của mình ra để đổi lấy con thuyền nhỏ. Chàng nhìn người ngư dân một chút, rồi rút ở thắt lưng ra một chiếc lệnh bài bằng vàng rồng sáng bóng giơ lên, kèm theo một trăm quan tiền mang theo bên người, rồi nói:
– Bổn Vương có việc quân cấp bách cần con thuyền của ngươi, hãy cầm theo lệnh bài này đến Lạng Sơn Vương Phủ lĩnh thêm ba lạng vàng. Thấy lệnh bài của của Bổn Vương, Lạng Sơn Vương sẽ tin ngươi. Một trăm quan tiền này xem như là ta bồi thường trước cho ngươi vậy!
Người ngư dân nhìn thấy ký hiệu của hoàng tộc trên lệnh bài liền quỳ sụp xuống vái lạy Lê Hạo, đoạn anh ta nhận lấy tiền rồi bảo vợ con cùng nhường lại con thuyền, trước khi đi họ còn tốt bụng để lại một ít lương thực và nước uống trên thuyền cho chàng.
Mưa càng thêm nặng hạt. Lê Hạo lái con thuyền nhỏ bám theo chút dấu vết mà lần theo bọn người Chu Kính, chàng cứ chèo và chèo không ngơi nghỉ, nước mưa lạnh làm đôi tay chàng như tê dại không còn chút cảm giác, hay đúng hơn vì tâm tư chàng lúc này căn bản không còn chú ý đến bất cứ điều gì ngoài việc phải cứu cho được Thu Đào.
– Ta nhất định mang nàng an toàn trở về!
Giữa dòng nước chảy xuôi, tiếng mưa rơi xuống va vào mặt sông nghe rào rạc, gió rít lên từng hồi càng làm âm thanh thêm hỗ tạp. Bỗng văng vẳng trong không trung Lê Hạo nghe thấy tiếng giãy giụa kêu cứu đứt quảng:
– Cứu! Cứu mạng!
Con thuyền chèo càng lúc càng gần, tiếng nữ nhi bì bõm vùng vẫy giữa dòng nước lại càng rõ rệt. Lê Hạo luống cuống ngưng tay chèo, chàng vào trong mui thuyền lấy ra một ngọn đuốc tre lớn rồi thắp lên soi xuống mặt nước. Trước khi ngọn lửa bị cơn mưa dập tắt, Lê Hạo đã kịp nhìn thấy một vị cô nương chới với giữa dòng, cứ ngoi lên kêu được vài tiếng rồi lại chìm xuống mấy lượt. Cũng may khoảng cách giữa nàng ta và con thuuyền của Lê Hạo không xa, chàng nhanh chóng nhảy xuống cứu người. Cô gái gần như đã chìm hẳn, không còn nghe thấy tiếng kêu nữa. Nhưng Lê Hạo vốn là người học võ thính tai tinh mắt, chàng đã kịp nhìn thấy một xoáy nước nhỏ ngay gần mạng thuyền của mình, đoán biết là do một vật gì vừa chìm xuống tạo nên, chàng nhanh chóng bơi đến và lặn xuống mò tìm. Quờ quạng mãi mới chụp được mảnh váy áo, Lê Hạo nhanh tay kéo mạnh và đã may mắn chạm được vào lưng eo của vị cô nương gặp nạn.
Kim Ngọc nôn thốc tháo từng ngụm nước to mà nàng đã uống phải lúc bị rơi xuống nước. Nàng từ từ mở mắt, rồi xoa xoa cổ tay mới phát hiện mình đã được cởi trói. Theo bản năng, Kim Ngọc ngồi bật dậy nhìn khắp thân thể mình một lượt rồi thở phào thấy bộ y phục ướt sũng vẫn còn nguyên trên người. Qua lớp màn mỏng của mui thuyền, Kim Ngọc thấy bóng lưng của một vị công tử cao lớn đang chèo thuyền, chàng mặc y phục màu trắng cũng đang ướt sũng toàn thân, đoán biết đây là ân nhân đã cứu mạng mình, Kim Ngọc lên tiếng gọi:
– Vị công tử đây..
Mưa đã tạnh, không gian yên tĩnh đi đôi chút. Nghe thấy tiếng gọi của Kim Ngọc, Lê Tuấn khẽ quay đầu một chút chứ không nhìn hẳn lại, chàng nói:
– Cô nương đã tỉnh, lúc nãy ta thấy nàng chỉ vừa mới chìm xuống nước nên có mạo muội dùng tay ấn xuống bụng đẩy nước ra giúp nàng. Biết nàng không sao nên ta vẫn đứng ngoài này từ nãy đến giờ không bước vào, trong thuyền có y phục khô của nam nhân, nàng cứ thay ra kẻo bị phong hàn nhập thể!
Giọng nói của Lê Hạo vô cùng trầm ấm dịu dàng, thái độ của một bậc chính nhân quân tử làm Kim Ngọc không chỉ biết ơn, mà trái tim nữ tử của nàng cũng xao động vô cùng. Một lúc sau, Lê Hạo lại nói vọng vào:
– Xin cô nương thông cảm, đêm nay tại hạ có việc cứu người khẩn cấp, đợi cứu được bằng hữu xong ta sẽ đưa cô nương về nhà.
Nghe đến “cứu người”, Kim Ngọc nhớ lại vị công tử lúc nãy từ bến sông hét gọi Thu Đào, cộng với lời hâm dọa của Phan Huệ nói với Chu Kính, nàng lờ mờ nhận ra sự trùng khớp nên khấp khởi mừng thầm hỏi ngay:
– Cứu người? Xin hỏi công tử đây có phải là người đã gọi chúng ta ở bến sông lúc nãy? Chàng là Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành (*)?
Lê Hạo nghe xong cảm thấy tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực rồi đập thình thịch vì quá bất ngờ sửng sốt, xen lẫn nỗi vui mừng khôn xiết. Cuộc đuổi bắt gần như vô vọng của chàng bỗng dưng được Kim Ngọc mang đến ánh sáng nơi cuối đường hầm. Trong lúc không kiềm chế được cảm xúc Lê Hạo đã bất giác lao đến vén tấm màn ra hỏi:
– Nàng đã gặp Thu Đào? Nàng đã ở cùng với Thu Đào đúng không?
Kim Ngọc đang trong lúc mặc vào chiếc áo ngoài cùng, còn đang lay hoay cột dây thắt lưng ngang eo thì đã bị vén màn, nàng giật mình kêu lên một tiếng rồi dùng hai tay nắm lấy hai bên thân áo che lại trước ngực:
– Á! Ta vẫn chưa mặc y phục xong!
Lê Hạo ngượng chín mặt cuống quýt che màn lại, chàng quay lưng về phía Kim Ngọc giọng khổ sở:
– Ta không cố ý, xin lỗi nàng! Nhưng xin nàng mau nói cho ta biết có phải nàng đã ở cùng với Thu Đào trên chiếc thuyền lúc nãy, ta đang tìm nàng ấy, cầu xin nàng mau cho ta biết tung tích của Thu Đào!
Kim Ngọc cũng thẹn đỏ mặt, nàng ta chỉnh trang y phục xong cũng từ từ bước ra kể lại toàn bộ sự việc gặp gỡ Thu Đào từ khi lọt vào tay bọn người Chu Kính cho đến lúc suýt chút bị bọn chúng giở trò thì được Thu Đào xả thân cứu giúp ra sao. Thì ra lúc Thu Đào bị rơi xuống nước, Phan Huệ và Kim Ngọc ở trên thuyền tuyệt vọng cầu xin nhưng bọn khốn kiếp không một ai nhảy xuống cứu Thu Đào. Kim Ngọc lúc ấy tự nghĩ nếu không còn Thu Đào thông minh bên cạnh, sớm muộn bản thân nàng cũng sẽ bị bọn chúng ức hiếp rồi bán sang phương Bắc, nàng đã tuyệt vọng liều mình lao xuống nước theo Thu Đào, những mong sẽ dùng cách dùng hai chân đạp nước mà nổi trên mặt sông đến lúc có người cứu, hoặc cùng lắm nàng sẽ bỏ thân trên mảnh đất quê hương, còn tốt hơn sống kiếp nô lệ tại phương Bắc. May thay ông trời thương xót, trong lúc đuối sức không còn chịu đựng nổi nữa thì nàng thấy được thuyền của Lê Hạo nên ra sức kêu cứu và được chàng mang về từ cõi chết.
Lê Hạo nghe đến đoạn Thu Đào đột nhiên biết võ công thì ngạc nhiên lắm, lòng chàng khấp khởi vui mừng nghĩ rằng Thu Đào đã nhớ ra mình. Nhưng khi biết Thu Đào đã bị rơi xuống nước trong tình trạng hai tay bị trói chặt, chàng như phát điên lên túm lấy hai vai Kim Ngọc mà lắc mạnh nói:
– Nàng nói sao? Thu Đào bị trói tay mà rơi xuống nước?
Kim Ngọc không còn biết nói gì hơn, chỉ lặng lẽ rơi nước mắt rồi gật đầu. Lê Hạo như người mất hồn, toàn thân mềm nhũn ra, chàng lắc đầu chối bỏ sự thật, miệng lẩm bẩm:
– Không thể nào! Không thể như vậy được! Ta sẽ tìm ra nàng..
Rồi đột nhiên chàng ngẩng mặt lên trời mà hét lên:
– Thu Đào! Nàng đang ở đâu?
* * *
Mặt trời đã lên cao, chim chóc ríu rít rủ nhau đi tìm mồi hoạt náo khắp một góc trời. Giữa thu thời tiết se lạnh suốt cả ngày, một chút ánh mặt trời buổi sáng sớm chẳng đủ để sưởi ấm không gian tĩnh lặng nơi bìa rừng. Thu Đào nằm úp mặt bên bờ sông đầy cát sỏi, một nửa thân người của nàng thậm chí vẫn còn ngâm trong nước. Một cơn gió lạnh lẽo thổi qua đánh thức Thu Đào, hai mắt nàng giật giật vài lần để thích nghi với ánh sáng sau suốt một đêm dài nằm ở nơi tối tăm này. Thu Đào đã tỉnh hẳn nhưng toàn thân uể oải chưa thể cử động được, nàng lắng nghe vết thương bị mảnh sành cắt trúng ở chân đang đau nhức vì nhiễm trùng, sự đau đớn khắp thân thể vì đã đánh nhau với bọn người Chu Kính, vì để vận công cởi dây trói giữa dòng nước xiết mà bơi vào tận đây, nàng đã kiệt sức đến nổi chưa lên được hẳn trên bờ đã phải ngất xỉu đến giờ này. Phải mất một lúc lâu Thu Đào mới chầm chậm chống hai tay ngồi dậy, trời đất quay cuồng trước mắt vì cơn choáng ập đến, nàng đưa tay ôm lấy đầu để nhanh chóng lấy lại tinh thần. Miệng khát đến môi khô bật máu, Thu Đào lê đến bờ sống dùng tay vốc từng ngụm nước mà uống. Đoạn nàng nằm vật ra đất, ngửa mặt lên trời mà thở hổn hển vì mệt mỏi. Thu Đào cứ thế nằm bất động đến non trưa, khi ánh nắng mặt trời không còn dịu dàng nữa, nàng chầm chậm đứng dậy, loạng choạng đi dọc theo bờ sông, lần dò theo hướng ngược về bến đò nơi bọn người Chu Kính đã bắt nàng đi, hi vọng sẽ tìm được nơi có người sinh sống mà cầu cứu. Trong trí nhớ mập mờ lúc hoảng loạn, cộng với cơn sốt, cơn đau nhức khắp toàn thân đang hành hạ, Thu Đào cứ đi theo linh tính mách bảo chứ thực chất bốn phương tám hướng giờ đây với nàng rất lạ lẫm, chẳng biết đâu mới là phương hướng chính xác. Đi chưa được bao xa, đói và mệt lại làm Thu Đào không thể đứng vững nữa, nàng tìm một gốc cây to mà tránh nắng rồi ngồi vật ra. Đang nghĩ cách tìm gì ăn để chống chọi đến lúc được cứu, Thu Đào chợt nghe một hương thơm ngọt ngào thoang thoảng trong gió, quen thuộc lắm nhưng lục tìm mãi trong ký ức vẫn chưa nhớ ra là mùi của vật gì. Nàng đứng lên nhìn quanh quất một lúc rồi phát hiện ra có một cây hồng già đã trụi hết lá, cây không quá cao, trên cành còn vương lại một ít quả chín muồi lắm, nhìn cứ như thể chỉ một vài cơn gió nữa là nó sẽ rụng sạch sẽ. Nàng mỉm cười bước đến cây hồng và nói với bản thân:
– Lần đầu tiên được thấy cây hồng, không ngờ lại là cây hồng cách niên đại của mình đến sáu trăm năm!
Thu Đào ngồi dưới gốc cây, nàng đưa quả hồng lên cắn một miếng, cứ nghĩ bản thân sẽ ăn như hổ đói, nhưng không ngờ miệng nàng nhạt thếch, cũng chỉ còn là ăn để giữ mạng chứ chẳng biết ngon là gì. Miệng nhai trệu trạo, Thu Đào để mắt dừng lại ở khoảng không vô định mà nhớ lại toàn bộ sự việc đêm qua. Đầu tiên là về Kim Ngọc và Phan Huệ, Thu Đào thở dài không biết số phận của hai cô gái tội nghiệp ấy sẽ đi về đâu khi rơi vào tay lũ buôn người, nàng nhớ như in khuôn mặt thanh tú của hai người họ rồi bất giác rơi nước mắt vì cảm giác lo lắng và sợ hãi. Giờ đây đến bản thân mình còn không biết trụ nổi đến bao giờ, muốn lo cho người khác quả thật lực bất tòng tâm.
– Thời phong kiến pháp trị còn lỏng lẽo, có lẽ còn nhiều số phận khác bị ức hiếp chà đạp lắm! – Thu Đào cảm thán.
Rồi nhớ đến bản thân mình của tối đêm qua, Thu Đào không biết vì sao lúc ấy mình lại có những động tác hệt như bản năng đã được lập trình sẵn trong não, chiêu thức và nội lực cứ thế đồng loạt tung ra, biến nàng thành một nữ hiệp chính hiệu. Không chỉ vậy, nguồn nội lực dồi dào ấy còn giúp nàng tháo được dây trói mà bơi vào bờ, chứ nếu không giờ này chắc hồn phách đã trôi về đâu rồi. Và còn.. Lê Hạo nữa! Thu Đào và Lê Hạo, tại sao mảnh ký ức ấy lại ở trong đầu mình? – Thu Đào không ngừng tự hỏi. Vì theo khoa học mà nói, ký ức chỉ tồn tại khi nào chính bản thân chủ thể tự mình trãi nghiệm, dữ liệu sẽ được ghi vào não bộ mà biến thành trí nhớ của cá nhân đó.
– Rõ ràng mình là Trà My mà! Làm sao ký ức của tiểu thư Thu Đào lại ở trong đầu mình được? Hay là hồn phách của mình nhập vào thân xác của Thu Đào nên mình mới nhớ ra nhỉ? Cũng không đúng! Rõ ràng gương mặt này là của mình đã hai mươi lăm năm nay, sao có thể là của người khác?
Không tìm ra cách giải thích hợp lý cho điều lạ lùng mình đã trãi qua, Thu Đào giơ hai tay ra trước mặt, thử một lần nữa dùng nội lực chém xuống một cành cây khô gần đấy xem có được hay không. Nàng nhắm mắt lại, nhớ đến cảm giác đêm qua khi xuất chiêu rồi dùng tay chặt mạnh xuống. Tay nàng va vào canh cây đánh “bụp” một tiếng.
– Á! Đau quá!
Thu Đào ôm lấy bàn tay vừa xoa xoa vừa kêu oai oái trong khi cành cây khô thì vẫn y nguyên chẳng hề hấn gì. Đoạn nàng xoa tay lên trán mình và thấy cơn sốt vẫn chưa thuyên giảm, bèn tự nghĩ:
– Vừa đói vừa mệt, lại sốt cao nên chắc là ảo giác mê sảng rồi!
Thu Đào tựa lưng vào gốc cây một lúc rồi nghĩ đến Lê Tuấn. Không biết giờ này chàng thế nào? Đi đánh Bồn Man về chàng có bị thương gì hay không mà lại chẳng đến tìm mình dù chỉ một lần! Hay chàng đã biết mình trước sau cũng tiến cung làm Chiêu Nghi nên không dám trêu đùa nữa?
Hàng loạt câu hỏi không lời đáp về Lê Tuấn cứ thế chạy ngang qua ý nghĩ của Thu Đào, rồi nàng chép miệng tuyệt vọng nói với chính mình:
– Tất cả chỉ là ảo mộng! Mình lạc đến thời đại này chắc cũng chỉ là một giấc mộng dài! Chàng có đối với mình như thế nào đi nữa thì cũng đã sao? Tỉnh mộng rồi thì mọi thứ sẽ kết thúc!
Ăn no rồi, sức lực đã phần nào hồi phục, Thu Đào tiếp tục lên đường tìm lối về bến sông hôm trước. Để tránh lạc đường, nàng cứ đi khoảng mấy chục mét là lại dùng mảnh sành còn giữ bên người vẽ một dấu ngôi sao lên thân cây, lên tảng đá hay bất cứ nơi nào dễ nhìn thấy nhất.
Mặt trời lại chớm lệch về phía Tây, bóng Thu Đào khấp khiểng xiêu vẹo in trên mặt đường cát sỏi..
* * *
Lê Tuấn suốt đêm không ngủ, cùng đoàn quân miệt mài đi đến tận trời sáng mới đến Nam Quan. Đến nơi, chàng lại mặc thường phục đích thân đi tới đi lui giữa ba cổng thông quan để cùng các quan sai xem xét từng người bước qua biên giới. Phan Tường luôn túc trực bên cạnh mời trà mời nước, chốc chốc lại giục đi nghỉ ngơi nhưng chàng đều bỏ ngoài tai, nhất quyết sẽ không dừng lại cho đến khi tóm được bọn người Chu Kính.
Xế chiều, quả nhiên lão già Chu Kính cùng bốn tên thuộc hạ còn lại đã xuất hiện, lúc này bọn chúng đã kịp chuẩn bị hai cỗ xe khác, một để chất hàng hóa, một để nhốt Phan Huệ bên trong. Theo thường lệ, Chu Kính chỉ cần bỏ ra một ít tiền cho các quan sai là đã thuận lợi qua ải mà không cần phải qua kiểm tra hàng hóa nghiêm ngặt. Bao năm nay hắn vung tay hào phóng nên đã trở nên quen mặt, mua chuộc được hầu hết các quan sai từ bé đến lớn ở Nam Quan. Nhưng hôm nay, trước cái lắc đầu từ chối của tên thị vệ giữ ải khi được hắn nhét vào tay một túi tiền nhỏ, Chu Kính đã linh tính lời của Thu Đào và Phan Huệ là thật, quan binh hôm nay đông đúc hơn rõ rệt, việc kiểm soát người qua kẻ lại được tiến hành nghiêm ngặt không sót một ai. Biết mình đã xui xẻo động vào người của Hoàng Đế Đại Việt, Chu Kính nặn ra nụ cười gượng gạo nói với tên thị vệ:
– À! Thật ra đây chỉ là chút lòng thành mời các vị dùng trà thôi! Còn việc kiểm tra hàng hóa thì tất nhiên phải kiểm tra rồi! Xin mời các vị!
Chu Kính vờ đưa tay về phía hai cỗ xe mời mọc. Đoạn hắn nháy mắt ra hiệu cho đồng bọn hành động ngay để tìm cơ hội thoát thân.
Thấy có hai cỗ xe lớn chuẩn bị qua ải, Lê Tuấn dắt theo Phan Tường tiến đến chuẩn bị đích thân nhìn mặt từng người. Bất ngờ Chu Kính lôi trên xe xuống một vị cô nương bị cho đội mũ rộng vành trùm kín mặt, rồi kề dao vào cổ nàng ta quát lớn:
– Nói với chủ nhân các ngươi, ta bị tên khốn Lê Đắc Hoàng lừa mới trót bắt nhầm Chiêu Nghi của các ngươi, ta chỉ cần được qua bên kia biên giới tự động sẽ thả người.
Phan Huệ lúc này bị nhét vải đầy miệng, nàng nhìn thấy Phan Tường – đại ca của mình đứng bên canh Lê Tuấn thì rất vui mừng, liên tục giãy giụa kêu lên “um.. um..”
Lê Tuấn vừa vui mừng vừa tức giận điếng cả người, chàng không ngần ngại xưng luôn cả danh tính, điều mà trước nay chàng rất ít khi làm khi vi hành:
– Ngươi là Chu Kính? Vị cô nương kia có phải là Nguyễn tiểu thư của Trẫm?
Chu Kính nhìn thấy Lê Tuấn dung mạo xuất chúng, mắt rồng tướng phụng liền bị oai nghi của chàng làm cho kinh khiếp, hắn ấp úng:
– Đại.. Đại Việt quốc vương, xin hãy.. tha cho thảo dân, thảo dân bị lừa. Xin ngài thả thảo dân về, thảo dân hứa sẽ thả Nguyễn tiểu thư ra!
Phan Huệ biết tên khốn này đang định lừa gạt Hoàng Thượng và đại ca của mình, nàng liên lục hướng về phía hai người họ mà kêu “um.. um.. um”. Lê Tuấn thấy Phan Huệ bị trói tay, miệng nhét kín không thể nói thì vô cùng tức giận vì tưởng người đang chịu thiệt là Thu Đào. Chàng khinh bỉ nhìn hắn nói:
– Ngươi dám ra điều kiện với Trẫm à? Thả người rồi ngồi tù ở Đại Việt vài năm, hoặc là Trẫm sẽ lấy mạng chó của ngươi!
Chu Kính biết trước sau gì Lê Tuấn cũng sẽ phát hiện hắn đã lỡ tay làm Thu Đào ngã xuống sông mà chết, Phan Huệ xem như là con tin cuối cùng để hắn làm lá chắn tẩu thoát sang biên giới. Đằng nào cũng chết, Chu Kính quyết liều một phen, hắn kê sát lưỡi dao vào cổ Phan Huệ làm rịn cả máu tươi rồi cứng giọng nói:
– Hoặc là thả ta ra, hoặc ta sẽ chết chung với ả!
Lê Tuấn mắt long lên sòng sọc, chàng đã hết kiên nhẫn và bình tĩnh để nói được lời nào, chỉ lạnh lùng rút thanh đoản đao giắt trên thắt lưng của Phan Tường ra rồi nhanh như chớp phóng thẳng về phía Chu Kính.
– Phập!
Thanh đoản đao cắm giữa trán lão già gian ác, máu tươi chảy ròng ròng xuống mặt hắn trông rất gớm ghiếc. Tất thảy thuộc hạ của lão liền buông vũ khí xin tha mạng. Phan Huệ đứng sát cạnh Chu Kính chứng kiến cảnh tượng hãi hùng nên ngã xuống ngất xỉu. Lê Tuấn hai mắt đỏ hoe vừa mừng vừa sợ nhào đến đỡ lấy nàng. Chàng vội vã dùng tay tháo chiếc mũ rộng rành miệng không ngớt gọi:
– Thu Đào! Trẫm tìm được nàng rồi! Thu Đào!
Chiếc mũ vừa tháo xuống gương mặt Phan Huệ hiện ra trước sự bàng hoàng của Lê Tuấn. Phan Tường trợn mắt lên, á khẩu vài giây rồi thốt lên:
– Phan Huệ? Sao lại là muội?
* * *
Cáo thị tìm kiếm đại tiểu thư Thu Đào được dán khắp nơi trong hoàng thành Thăng Long và toàn bộ trấn Lạng Sơn. Con sông nơi Lê Hạo để mất dấu Thu Đào được quan binh ngày đêm lùng sục suốt hai ngày vẫn chưa có mảy may tin tức gì..
Lê Tuấn lại tiếp tục thức trắng đêm thứ hai cùng quan binh thắp đuốc sáng rực cả bờ sông đi ngược về phía bến đò mà tìm Thu Đào.
* * * Hết chương 22 —-
Chú thích:
1. (*) Lê Tư Thành: Tên huý của Lê Thánh Tông.