Hồi Đáo Lê Triều - Dạ Du - Chương 17: Long Tranh Hổ Đấu 2
Gió sớm mai đã chớm chớm se se.
Mộng và tỉnh cứ luân hồi xoay chuyển,
Tựa bốn mùa đến đến đi đi..
Thảo nguyên xanh mướt trãi dài tận chân trời, ánh nắng vàng rực rỡ làm những bông hoa dại đủ màu sắc rực rỡ càng thêm nổi bật trên nền cỏ..
Lê Tuấn oai nghi đứng xoay lưng lại phía Thu Đào, chàng vẫn mặc bộ trang phục xanh lam tao nhã ấy, dáng điệu khoan thai điềm tĩnh, phe phẫy chiếc quạt có vẽ tranh sơn thuỷ trên tay. Trước mặt chàng là một bầy sói, cầm đầu là một con hổ to lớn đang gầm gừ giơ nanh múa vuốt, phủ phục xuống trong tư thế sắp vồ mồi.
Con hổ thủ thế xong liền bất ngờ phóng tới, tiếng nó gầm làm run chuyển cả đất trời. Bầy sói sau lưng cũng theo lệnh của nó đồng loạt lao đến, bụi tung mịt mù cả một góc trời. Phúc chốc, Lê Tuấn tung chiếc quạt lên quạt qua lại hai lần về phía bọn mãnh thú, gió từ chiếc quạt biến thành một trận cuồng phong cuốn phăng hết bọn chúng lên cao rồi hất xuống đất. Con hổ tức giận, mắt nó toé lửa gầm rú lên một tràng dài chấn động không trung, rồi trên lưng nó mọc ra hai cánh bay lên toang lao đến để phanh thây kẻ địch. Lê Tuấn lúc này bình tĩnh xếp quạt lại, hai tay chàng dang ra như để đón gió, bầu trời kéo mây đen mịt mù, chàng hóa thành một con rồng trắng uốn lượn bay lên nghênh chiến!
Tu.. tu.. tu!
Tiếng tù và chốc chốc lại vang lên hối hả đã đánh thức Thu Đào. Nàng chầm chậm mở mắt, tia nắng lọt qua những khe hở trên nóc lều chiếu lên cánh tay Thu Đào những giọt nắng lấm chấm ấm áp. Rõ ràng nàng cảm nhận cơ thể mình rất khoẻ mạnh, chẳng hiểu tại sao thỉnh thoảng nhìn thấy hoặc nghĩ về Lê Tuấn thì tim lại nhói đau khó hiểu như thế. Giấc mơ kỳ lạ vừa rồi càng làm nàng thêm nghĩ ngợi về chàng.
– Phải rồi, đêm qua trước khi ngất đi ta đã nhìn thấy chàng đúng không nhỉ? – Thu Đào tự hỏi.
Nàng ngồi bật dậy, nhận ra mình đang nằm trong một căn lều lạ, y phục đã được thay mới hết. Thu Đào hai tay ôm vai mình lo ngại lẩm bẩm:
– Ai đã thay quần áo cho mình vậy trời!
Lúc ấy, chưởng sự tỳ nữ vén màn cửa của căn lều bước vào, theo ngay sau lưng bà ta là Nguyễn Đức Trung. Nhìn thấy cha, Thu Đào mặt tái nhợt hoảng hốt, vội xuống giường quỳ phủ phục dưới đất, nàng chỉ biết cúi mặt lo lắng vì chẳng biết cách nào mà bào chữa cho cái tội tày trời dám lẻn vào quân đội của triều đình này!
Nguyễn Đức Trung quả nhiên nghiêm giọng quở trách:
– Con thật quá to gan, hồ đồ! Nếu như lần này con không có công lớn cứu được Phan Tường giúp quân ta đề phòng giặc, thì con nghĩ mình có mấy cái đầu để Hoàng Thượng chém vậy?
Đoạn ông liền quay sang chưởng sự tỳ nữ giáo huấn tiếp:
– Kim nương! Ta luôn tin tưởng ngươi và lão Ký, giao hết mọi việc lớn nhỏ trong nhà, sao ngươi lại dám bao che cho Thu Đào như vậy? Lần này ta tạm gửi lại thủ cấp trên đầu ngươi, xong việc lớn ta sẽ lại hỏi tội cả hai người!
Nói xong không đợi ai kịp trả lời, Nguyễn Đức Trung đã vội vã đi ra khỏi lều để còn lo việc quân.
Thấy cha vừa khuất bóng, Thu Đào thở phào quay sang Kim nương trách móc:
– Nè, có phải là người đã bán đứng con không vậy Kim Nương?
– Đại tiểu thư của tôi ơi, đêm qua lúc cô kéo Phan Tường về, đích thân Lê Hạo công tử đã ra cứu, lại có cả.. thì làm sao mà không bại lộ được chứ! – Kim nương than thở.
Thu Đào nghĩ cũng có lý, mình vừa đi vừa la hét như thế, chắc chắn kinh động mọi người, ai nấy tất nhiên sẽ tìm hiểu người cứu được Phan Tường là ai. Nhưng thấy giọng Kim nương ngập ngừng không nói rõ ràng, nàng gặng hỏi:
– Lê Hạo và ai nữa?
Kim nương vẻ mặt lấm lét:
– Là.. là Hoàng Thượng!
– Trời! – Thu Đào thảng thốt kêu lên.
Nàng nhớ đến gương mặt Lê Tuấn đêm qua đã xuất hiện trước lúc bị ngất, gật gù:
– Hèn gì chàng lại xuất hiện ở đó, chắc là đi cùng với Hoàng Thượng!
Thu Đào thè lưỡi rụt cổ, nhưng nàng cũng chẳng quan tâm lắm đến Hoàng Thượng, một là như cha đã nói đấy, mình lập được công, chắc chắn sẽ không bị chém đầu. Hai nữa, Hoàng Thượng càng thấy mình “tệ hại” thì sẽ mau chóng bỏ đi ý định nạp làm cung tần thôi! Chẳng có gì mà lo! Thu Đào an tâm nhìn quanh quất hồi lâu rồi lại hỏi Kim Nương:
– Đây là lều của ai vậy?
Kim Nương mặt không cảm xúc đáp ngay:
– Hoàng Thượng!
Thu Đào nghe tin này thì choáng váng thật sự, mình lại đang nằm trong chính căn lều của Lê Nhân Tông mà ngủ à! Nàng lo lắng nhìn vào mình từ trên xuống dưới khắp một lần rồi mếu máo hỏi Kim Nương:
– Ai đã thay quần áo cho con vậy? Thời phong kiến tôn trọng lễ giáo lắm mà! Chưa thành hôn mà đã..
Kim nương liếc mắt nhìn lên trời, chịu hết nổi cô đại tiểu thư ngốc nghếch nhưng được cái thích làm liều này rồi, bà ta thở dài ngắt lời Thu Đào:
– Trời ơi đại tiểu thư của tôi, tất nhiên là Kim nương ta đã chăm sóc cho cô từ đêm qua đến giờ rồi, yên tâm đi! Cô là cung tần sắp tiến cung của Hoàng Thượng, ai dám làm càn như thế được.
Nói xong bà nhìn gương mặt méo xệch của Thu Đào rồi bất giác che miệng khúc khích cười.
Qua lời kể của Kim nương, Thu Đào được biết tối qua trong lúc đích thân đi tuần tra quanh trại, Hoàng Thượng đã nghe được tiếng kêu cứu của cô nên dẫn người ra hướng bờ sông mà đón, không ngờ lại quả thật cứu được nàng và Phan Tường. Bản thân Hoàng Thượng suốt đêm đã túc trực canh Phan Tường để nghe bẩm tấu tình hình, hiện người vẫn đang cùng Bình Nguyên Vương lo tính toán đường đi nước bước, cả đêm chưa hề bước về lều nghỉ ngơi. Hiện tại Phan Tường đã khoẻ lại và truyền được tin tức cơ mật, toàn quân ai nấy đều sẵn sàng tư thế nghênh chiến nếu giặc xuất hiện lúc này. Cánh hậu phương như gia nhân tỳ nữ theo hầu có nhiệm vụ chạy trước về hoàng thành, nếu gặp quân lính của Đinh Liệt tướng quân thì gia nhập và nghe tướng quân sai khiến. Thu Đào lấy làm lạ, theo sử sách chép thì chưa có trận đánh nào lớn xảy ra giữa Đại Việt và Bồn Man cả, nếu có thì đã là chuyện lúc Nhân Tông còn nhỏ do Thái Hậu nhiếp chính mới đúng! Lẽ nào nàng đã nhớ sai hoặc giả chưa đọc được đoạn sử này chăng?
– Quả nhiên năm dài tháng rộng, thế sự đổi thay, dẫu có tư liệu sử sách để lại cho hậu thế cũng khó lòng mà đầy đủ được! – Thu Đào chép miệng nhủ thầm.
Rồi nàng nhớ ra một việc bèn hỏi Kim nương:
– Hậu phương chúng ta khi nào thì khởi hành trở về hoàng thành?
– Ngay sáng nay, cho nên cô hãy mau ăn uống chút gì, rồi chúng ta lập tức lên đường, Hoàng Thượng đã có chỉ phái mười vị cận vệ thân tính của người hộ tống tiểu thư về hoàng thành an toàn đó, nếu cô có mệnh hệ nào cả nhà họ sẽ chôn theo!
Lời thuật của Kim nương cứ ong ong bên tai làm Thu Đào nghe đến nổi muốn hồ đồ theo! Đi ngay bây giờ sao? Cha, Lê Tuấn và Lê Hạo, những người ta quan tâm đang gặp nguy cấp, sao ta có thể bỏ đi được?
– Con không đi! – Thu Đào bướng bỉnh đáp.
– Đại tiểu thư à, tốt nhất cô nên vâng lời đi. Cô ở lại đây chỉ làm Nguyễn Đại Nhân và Hoàng Thượng vướng víu tay chân, ngộ nhỡ gặp nguy hiểm thì họ sẽ phải bảo vệ cô, làm sao lo lắng tốt cho bản thân mình được! Ngoan, nghe lời Kim nương ta, cô nghịch đủ rồi, mau theo ta về hoàng thành nhé!
Lời nhắc của Kim nương chí lý vô cùng, Thu Đào cũng hiểu bà ta lo lắng là đúng, nhưng trái tim nàng mách bảo không thể nào cứ thế mà bỏ về một mình được. Trong lòng nàng bây giờ chẳng hiểu sao lại rất muốn gặp Lê Tuấn một lần, muốn chính miệng dặn dò chàng đừng mãi lo bảo vệ Hoàng Thượng mà quên mất bản thân, vì Nhân Tông tận ba năm sau mới bị ám sát mà băng hà, lần này chắc chắn sẽ không sao..
– Tên ngốc mà cứ tưởng mình là kẻ trung thành! Không biết có tự bảo vệ cho tốt bản thân mình không nữa! – Thu Đào lo âu nghĩ thầm.
Tiếng tù và lại vang lên, “tu tu, tu tu..”
Khắp doanh trại là một bầu không khí hối hả cấp bách, người lo thu dọn hành lý lên đường trở về hoàng thành, kẻ lo mặc giáp cầm giáo xông pha ra tiền tuyến chờ giặc đến, thỉnh thoảng lại nghe một binh sĩ hô lớn:
– “Cấp báo!”
Cổ xe hộ tống Thu Đào cùng đoàn tuỳ tùng ra khỏi doanh trại, nhằm hướng hoàng thành Thăng Long mà đi.
* * *
Non trưa, quả nhiên Bí Cai đã xua quân cố tình chia nhỏ thành từng nhánh tấn công từ bốn phía, nhưng chỉ đánh được một lúc thì lại vờ thua rút chạy về hướng những lối đi hiểm trở dẫn vào Bồn Man. Theo lời thuật của Phan Tường về trận năm kỵ sĩ bị đột kích, Nhân Tông sai Lạng Sơn Vương và Nguyễn Đức Trung ra nghênh chiến nhưng dặn dò tuyệt đối không được đuổi theo vào nơi có địa hình hiểm trở, tránh bị mai phục. Quân Đại Việt mãi không trúng kế đuổi theo, Bí Cai lo ngại nếu cứ kéo dài khoảng một ngày nữa thôi thể nào viện binh từ Thăng Long cũng sẽ kịp đến, kế hoạch chém vua Lê để trả thù xem như hoàn toàn thất bại. Vì vậy hắn ta quyết liều một phen, dốc hết ba vạn quân của Lư Cầm Công tấn công vào doanh trại Đại Việt, quyết tâm bắt cho bằng được Nhân Tông.
Đang đánh cầm chừng chặn không cho giặc đến gần doanh trại, Lê Hạo bỗng nghe thấy có tiếng reo hò của quân lính Bồn Man từ xa:
– Giết vua Lê!
Âm thanh mỗi lúc một gần, Bồn Man cùng đoàn tượng binh lù lù xuất hiện, khí thế ngút trời!
– Ta đã quá khinh thường lực lượng của Bồn Man rồi! – Lê Hạo tự nói một mình.
Biết chắc viện binh của Đinh Liệt nhanh lắm cũng xế chiều mới đến, Lê Hạo hô to:
– Giặc dùng tượng binh, mau rút quân bảo toàn lực lượng!
Nghi Dân đang đánh hăng máu cũng phải ngoái nhìn lại, quả nhiên là đoàn tượng binh đang đuổi sắp đến.
Lê Tuấn nhanh trí ra lệnh:
– Tượng binh khó đi qua vùng đồi núi vừa hẹp, mau ra lệnh cho ba quân tướng sĩ men theo chân đồi ở bìa rừng mà chạy về phía lối đường vòng dẫn đến địa phận Bồn Man. Ta không nên chạy về hướng hoàng thành vì đường xá bằng phẳng rất dễ đi, e sẽ không chạy thoát khỏi. Đi đến đâu phá đường phá cầu đến đấy để chặn đường tiến quân của giặc!
– Hoàng Thượng anh minh! – Lê Hạo bội phục khen ngợi.
Nói xong, Lê Hạo cùng Nghi Dân nghe chỉ phát lệnh rút quân. Nguyễn Đức Trung cùng với Nhân Tông đích thân dẫn một tiểu đội đánh tiên phong bứt phá vòng vây cho ba quân tháo chạy, sau khi đi qua thì gặp đường phá đường, gặp cầu phá cầu. Tượng binh của Bí Cái quả nhiên rất vất vả mới không bị mất dấu quân Đại Việt.
Đến đoạn đường hẹp, một bên là vực sâu, đáy vực là con song lớn nước chảy cuồn cuộn, một bên vách núi thẳng đứng hiểm trở, Lê Hạo hối thúc Nhân Tông:
– Hoàng huynh mau đi trước! Đệ ở lại đánh chặn giặc!
– Trẫm ra lệnh cho đệ mau dẫn quân chạy trước! Trẫm thân là chủ soái của trận này sau có thể tham sống sợ chết chọn đường tháo chạy được!
Biết không thể thay đổi ý vua, Nguyễn Đức Trung nói thêm để Lê Hạo yên tâm mau chóng dẫn quân sĩ đi trước:
– Bình Nguyên Vương yên tâm, thần cũng sẽ ở lại bảo vệ cho hoàng thượng cùng Lạng Sơn Vương!
Lê Hạo ái ngại nhìn ông thêm một lúc rồi lại ra sức khuyên can nhưng Lê Tuấn nhất định chờ ba quân tướng sĩ qua hết rồi mình mới đi cuối cùng để đón đánh giặc đuổi theo phía sau. Tình thế gấp rút, Lê Hạo đành phải dẫn quân chạy trước, để lại Nghi Dân và Nguyễn Đức Trung làm nhiệm vụ hộ giá.
Tiểu đội cuối cùng vừa qua lọt khe núi hiểm trở, Lê Tuấn vừa nối bước theo sau thì đã nghe thấy tiếng reo hò của quân Bồn Man đã đuổi đến ngay sau lưng. Biết được ý đồ của Lê Tuấn muốn cản không cho tượng binh qua được, Bí Cai vội vàng lệnh cho phóng tiễn bắn đuổi theo quân lính Đại Việt. Đoàn quân tiên phong của Nghi Dân và Lê Tuấn tuốt gươm vừa chống đỡ làn mưa tên, vừa thúc ngựa tháo chạy.
Phập! Ngựa chiến Truy Phong của Lê Tuấn bị bắn trúng ngay cổ họng, nó lồng lên hất văng chàng xuống khỏi lưng. Lê Tuấn nhanh nhạy xoay người lại, dùng thanh gươm cấm phập vào một thân cây gần đấy làm điểm bám tựa rồi từ từ phóng xuống đất, thoát được cú ngã ngựa hiểm ác. Nguyễn Đức Trung thấy vậy lập tức quay lại, chìa ta ra định đón Lê Tuấn cùng lên ngựa nhưng chàng gạt phăng đi. Bị mất ngựa quý, chàng tức giận vô cùng, đôi mắt long lên sòng sọc cầm gươm phi thân về phía Bí Cai muốn quyết sống mái. Nghi Dân thấy tình thế này thì thất kinh hồn vía, la lớn:
– Hoàng Thượng, xin hãy bình tĩnh.
Rồi Nghi Dân và Nguyễn Đức Trung cùng với tiểu đội tiên phong của mình thúc ngựa đuổi theo chàng hộ giá.
Bí Cai thấy Lê Tuấn không bỏ chạy mà lại đột ngột lao đến muốn cắm gươm vào ngực mình thì rất bất ngờ nhưng cũng kịp thời nghiêng mình phóng khỏi lưng ngựa né kịp. Máu chiến nổi lên muốn đánh tay đôi với Hoàng Đế Đại Việt, hắn cười khoái trá rồi rít lên:
– Hoàng Đế Đại Việt trên sa trường chẳng qua là một thằng nhóc nông nổi! Được! Hôm nay ngươi sẽ chết dưới tay ta!
Lê Tuấn không nói gì, đôi mắt đầy tức giận giơ gươm lên tiếp tục muốn bổ vào đầu Bí Cai, hắn nhanh chóng xoay ngang đoạn trường thương trên tay đưa lên đỡ lấy. Lê Tuấn hai tay cầm gươm dùng sức chém xuống rất mạnh khiến Bí Cai bặm môi chống đỡ, hắn chưa kịp nghĩ phải làm gì tiếp theo thì chàng đã nhanh chân đạp một cước thật mạnh vào giữa gối hắn, Bí Cai đau điếng ngã sấp trên đất. Đoạn hắn nhanh chóng lật ngửa lại né tiếp được nhát gươm dứt khoát vừa đâm phập xuống đất, sượt qua gò má hắn làm rướm máu. Lê Tuấn dùng chân đạp mạnh một cước vào giữa ngực Bí Cai, máu từ miệng hắn bắn ra như một ống nước bị vỡ. Trong khoảnh khắc, nhớ đến năm kỵ sĩ bị quân phục kích Bồn Man hãm hại, đôi mắt chàng long lên đầy căm giận, lưỡi đao sáng loáng phản chiếu trong tròng mắt chàng. Phập! Bí Cai đầu lìa khỏi cổ.
Nghi Dân thấy Lê Tuấn lần này hành động bốc đồng ngoài sức tưởng tượng, vì xưa nay bản tính chàng rất nhân hậu ôn hòa, nào ngờ chỉ vì Truy Phong mà không tiếc mạo hiểm muốn lấy mạng Bí Cai cho bằng được. Trong lúc Lê Tuấn giao chiến kịch liệt với Bí Cai, cũng là lúc Nghi Dân phải bám sát theo bên cạnh để bảo vệ chàng khỏi bao nhiêu là đao kiếm từ sau lưng chém đến. Thấy chủ soái bị vua Đại Việt chặt đầu, quân Bồn Man như rắn mất đầu hoang mang rối loạn. Lực lượng tuy đông nhưng giờ đây chỉ còn là lũ ô hợp không người điều khiển.
Tu tu.. tu tu!..
Tiếng tù và quen thuộc của quân lính Đại Việt từ đâu vọng lại. Nghi Dân và Nguyễn Đức Trung mừng rỡ đồng thanh reo lên:
– Đinh tướng quân!
Lê Hạo cách đó khoảng một dặm đường cũng đã nghe thấy tiếng tù và của binh sĩ Đại Việt, biết Đinh Liệt đã kịp đến tương trợ, chàng lập tức xua quân quay đầu lại quyết chiến với Bồn Man.
Quân của Nhân Tông trừ trong đánh ra, quân Đinh Liệt từ ngoài đánh vào, ba vạn tượng binh của Bí Cai tan rã, bị giết quá nửa, còn lại đều bị bắt sống.
Mặt trời sắp khuất sau ngọn đồi để lại ánh hoàng hôn đỏ rực phía chân trời. Lê Tuấn đứng bên bờ sông, hai tay chấp sau lưng trầm lặng nhìn ra phía xa. Lê Hạo chậm rãi bước đến khẽ vỗ lên vai chàng:
– Tam ca! Đệ đã cho người mang theo xác Truy Phong về cho huynh rồi!
Lê Tuấn khẽ quay lại gật đầu nhẹ tỏ ý cảm ơn người huynh đệ của mình. Chàng im lặng một lúc lâu rồi hạ lệnh:
– Truyền chỉ của Trẫm, trong ba năm liên tiếp gia tộc Lư Cầm mỗi năm phải tiến cống đủ năm trăm lượng vàng xem như là hình phạt cho việc dám dấy binh sách nhiễu triều ta. Nếu còn dám kết bè kết đảng thêm lần nữa, nhẹ thì Trẫm sẽ lấy lại quyền cai trị lãnh thổ, trục xuất ra khỏi bờ cõi Đại Việt, nặng thì giết sạch không tha!
– Thần đệ tuân chỉ! – Lê Hạo cung kính đáp lời.
* * *
Mười ngày sau..
Tại phủ đệ của Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung.
Thu Đào lặng lẽ ngồi một mình trong đình hóng mát, tay chống cằm nhìn lên trời, ánh mắt bỏ lửng giữa không gian vô định.
Truyện đề cử: Một Thai Ba Bảo: Papa Tổng Tài Siêu Mạnh Mẽ
Từ chiến trường trở về đã được một khoảng thời gian, Thu Đào ngày ngày nghe Nguyễn phu nhân giáo huấn về tội tày tời dám bỏ trốn khỏi phủ nhưng thật ra nàng chẳng để vào đầu được nửa chữ, chỉ phủ phục dạ dạ vâng vâng cho đến khi Nguyễn phu nhân mỏi miệng tự động rời đi. Tâm trí Thu Đào giờ đây để cả ở Lê Tuấn, lúc biết chiến sự có biến, quân ta bị vây hãm nàng đã mất ăn mất ngủ, ngày đêm lo sợ cho an nguy của chàng. Giờ đây biết quân ta toàn thắng, nàng lại thấp thỏm lo âu chờ đến khi Lê Hạo trở về để lập tức đến Huy Văn Tự hỏi thăm tin tức của chàng. Dù sao Lê Hạo cũng đường đường là Bình Nguyên Vương, nếu chàng ta có mệnh hệ gì thì hẳn đã có tin báo từ sớm rồi, hiện tại vẫn sóng yên biển lặng nên chắc chắn không có đại nhân vật nào hi sinh trong trận đánh này rồi! Nhưng Lê Tuấn thì khác, trong lòng Thu Đào chàng chỉ là một thị vệ nhỏ bé, có chết trên sa trường cũng không làm kinh động đến ai được, chỉ có cách đợi đoàn quân trở về tin tức mới tỏ tường được thôi!
– Tên chết tiệt! Hại ta mất ăn mất ngủ, về đây ngươi sẽ biết tay ta! – Thu Đào rủa thầm trong dạ.
Đang mãi nghĩ ngợi thì Xuân Mai hớt hãi chạy đến, nàng ta vừa thở vừa nói đứt quãng, thái độ vô cùng hân hoan:
– Đại.. đại tiểu thư! Đại nhân đã về.. về rồi! Đại tiểu thư.. đại hỉ, đại hỉ rồi!
* * * Hết chương 17 —-