Hạc Đầu Đình -Tác giả: Phù Vân - Chương 9: Thay đổi
Đã lâu rồi người trong phủ mới thấy lão Giàu không cau mày nghiêm mặt như mọi khi, lão còn vui ra mặt là đằng khác. Đây đã là một chuyện lạ rồi nhưng còn chuyện khác lạ hơn cơ.
Bà cả đang tự mình xem xét việc chuẩn bị trà bánh của đám gia nhân, đã vậy sau khi sai bọn tôi tớ quét dọn chuẩn bị chăn màn cho khách nghỉ lại, bà còn cẩn thận đến xem xét kĩ càng sửa sang hết chỗ này đến chỗ nọ nữa đấy!
Phải biết từ trước đến nay bà cả rất ít khi tự mình quán xuyến như thế. Mỗi lần khách đến chơi tôi tớ đều phải nhìn sắc mặt bà mà chuẩn bị chứ bà nào có phải động tay động chân. Ngặt nỗi khách hôm nay đến phủ thân phận không tầm thường, gia thế nàng không chỉ cao hơn cái phủ này mà lão Giàu còn rất quý nàng, nói rằng quý ngang ngửa với đứa con trai nối dõi tông đường của lão cũng không ngoa. Phải rồi, khách quý đó chính là Trúc chứ ai.
Bà cả ngoài miệng ân cần nói rằng để bà tự tay chuẩn bị nơi ăn trốn ở cho Trúc, vì lo lắng bọn tôi tớ không hiểu sinh hoạt của nàng mà chuẩn bị sai. Nhưng thật ra lòng bà nào có muốn làm, chỉ là mấy lần trước Trúc đến chơi đã nói bóng nói gió về việc ăn ở không hợp, khiến lão Giàu phật ý với bà. Nay bà tự mình quán xuyến mọi chuyện để xem nàng vạch lá tìm sâu kiểu gì?
Mọi việc xong xuôi bà cả lại dùng phong thái đoan trang đi đến nhà chính, cứ như cái người vừa kiêu căng quát nạt đám gia nhân ban nãy không phải bà vậy. Nhưng vừa bước chân qua cửa cảnh tượng bên trong khiến bà khựng lại.
Chỉ thấy Trúc ngồi cạnh bà hai thân thiết nắm tay bà, chẳng rõ bà vừa nói gì mà nàng thẹn thùng đỏ mặt song nụ cười trên môi lại càng tươi hơn. Chắc hẳn chuyện hai người vừa nói không phải chuyện lông gà vỏ tỏi vớ vẩn bởi đến cả lão Giàu chú ý nghe thế kia cơ mà. Hạc tuy không nói gì nhưng ánh mắt không dời khỏi Trúc với bà hai. Duy chỉ có bà ba ngồi đó là mặt mày không vui, kể cũng phải thôi, lần nào Trúc đến chơi cũng chỉ ríu rít nói cười với bà hai, còn khi nói chuyện với bà cả bà ba tuy lễ phép nhưng thái độ lại lạnh nhạt xa cách. Nay bà ba còn như người thừa thế kia thì sao vui nổi?
Trong lòng bà cả thầm khinh bỉ bà ba, đúng là trẻ người non dạ chút chuyện này thôi mà đã bực ra mặt rồi, bảo sao bao năm qua không được lòng lão Giàu.
“Còn chưa vào đến cửa đã nghe tiếng cười rồi, ta bỏ lỡ chuyện vui gì à Trúc?” – Bà cả nở nụ cười hiền, thong thả đi đến ngồi xuống cạnh lão Giàu.
Trông thấy bà cả ánh mắt Trúc không còn thân thiết mà trở nên lạnh nhạt, nàng không cười nữa nhưng cũng không có ý định trả lời bà cả, chỉ hờ hững cầm chén trà lên nhấp vài ngụm nhỏ.
Bầu không khí vui vẻ khi nãy dần trở nên lúng túng, rốt cuộc bà hai đành lên tiếng.
“Thưa chị, vừa rồi đang nói đến chuyện cưới xin của Trúc.”
“Thì ra là chuyện này sao?” – Dường như khoảng lặng vừa rồi chẳng khiến bà cả lúng túng, bà vẫn cười nói tiếp. – “Tính ra con cũng đã đến tuổi cập kê nói chuyện cưới xin là vừa đẹp, chỉ là ta thấy…”
Bà cả còn đang nói dở chợt bị một câu “trời ơi” đầy hốt hoảng của Trúc cắt ngang. Nàng dường như vừa sực nhớ ra chuyện long trời lở đất nào đó mà lỡ miệng than một câu, đoạn quay sang nói với lão Giàu.
“Thưa bác, con có chuyện lớn muốn nói với bác, lẽ ra chuyện này cần nói sớm thế mà con lại vô ý quên mất giờ mới nhớ ra.”
Lão Giàu thấy biểu cảm trên mặt Trúc lại nghe giọng điệu vội vã đoán chừng là việc nghiêm trọng. Chẳng hề để ý đến lời dở dang lẫn sắc mặt hơi đổi của bà cả chỉ hỏi nàng.
“Có chuyện gì mà lại khiến con hốt hoảng như vậy? Mau kể ta nghe xem đầu đuôi sự việc ra sao.”
Cứ thế chuyện náo loạn ở hồ sen được Trúc kể lại. Sắc mặt những người có mặt ở đây cũng dần thay đổi theo những gì nàng kể, nhất là lão Giàu đã giận đến mức gân xanh bên thái dương nổi lên.
“Ôi trời!” – Bà ba nghe xong che miệng thốt lên. – “Từ trước đến nay danh tiếng phủ chúng ta rất tốt ai ra đường cũng được người ta nể mặt, sao lần này con đi thưởng sen lại xảy ra chuyện lớn như vậy?”
Lời này nghe qua thì giống đang hỏi han Hạc nhưng để tâm suy nghĩ là nhận ra ngay ý của bà ba không phải vậy. Người khác ra khỏi phủ không chỉ không xảy ra chuyện còn được người khác nể mặt, mà Hạc vừa đi thì có chuyện, vậy chính là đang có ý chê trách cậu gây chuyện chứ còn gì nữa.
Bà hai đương nhiên hiểu được ý bà ba bởi thế sốt sắng ra mặt, nhưng không biết phải nói thế nào để vừa giúp con vừa tránh mất lòng người khác, chỉ có thể sốt ruột nhìn về phía lão Giàu.
Hạc vốn lặng yên từ đầu cuộc nói chuyện giờ mới lên tiếng, vẫn là thái độ hoà nhã như thường ngày nhưng câu từ đã khác.
“Mẹ ba, mẹ là mẹ của con, nuôi nấng con từ thuở lọt lòng đến nay chắc chắn sẽ rõ tính khí của con ra sao. Lại nói Trúc đã kể nguyên do sự việc là bởi Đại sinh sự trước. Những lời mẹ vừa nói con đều hiểu vì mẹ lo cho con, nhưng nếu để kẻ phàm phu suy nghĩ nông cạn nghe được có khi sẽ cho rằng mẹ trách mắng con mà bênh người ngoài đấy!”
Bà cả nghe Hạc nói vậy động tác châm trà hơi khựng lại, kín đáo liếc về phía cậu như muốn tìm tòi lý do khiến cậu nói những lời này. Còn bà ba không biết che giấu cảm xúc lập tức trợn mắt kinh ngạc. Rõ ràng bao năm qua bà ba nói móc mỉa thế nào Hạc cũng lặng im, hiếm lắm mới phản bác một hai câu, vậy mà hôm nay lại dám chỉ trích bà ngay trước mặt lão Giàu là sao?
Chuyện bà ba không mấy yêu thích Hạc lão Giàu biết cả đấy, chỉ là bà ba ăn nói hơi khó nghe chứ chưa làm gì quá quắt, nên lão đều nhắc khéo rồi mắt nhắm mắt mở cho qua. Nhưng nay đã có sẵn cơn giận mấy lời của bà ba chẳng khác nào thêm dầu vào lửa, lão giận dữ đập bàn quát.
“Tiên! Ta đã bảo bao nhiêu lần rằng nàng phải cẩn thận lời ăn tiếng nói mà nàng toàn để ngoài tai là sao? Nàng xem đến đứa trẻ như Hạc còn biết nghĩ trước sau, còn nàng…”
Nói đến đây lão Giàu thở dài tỏ vẻ thất vọng, bà cả vội nhỏ giọng giảng hoà.
“Chuyện này là em Tiên sai nhưng mong chàng bớt giận, có gì lát nữa nói sau cũng không muộn trước mặt bọn trẻ lời qua tiếng lại e là không hay.”
Dạy con thì dạy trước mặt dạy vợ thì dạy sau lưng, điều này lão Giàu cũng biết chỉ là giận quá thành ra giận cá chém thớt. Lại thấy bà ba xấu hổ nhận lỗi lão cũng đành nói sang chuyện khác.
“Để vài bữa nữa ta sai người sang nhà đó nói lí lẽ, chuyện này không thể để yên được.”
Ai cũng đoán được lão Giàu sẽ không cho qua việc Hạc suýt bị kẻ khác đánh. Vừa động đến đứa con trai duy nhất của lão vừa động đến thể diện của lão, lão bỏ qua mới là lạ. Ba bà vợ của lão Giàu một người không dám làm lão phật ý, một người tính tình vốn hiền lành, một người lại vừa lỡ lời, cả ba vì thế không hẹn mà cùng giữ yên lặng.
“Thưa cha con cho rằng lần này không nên làm to chuyện.” – Chẳng ai ngờ Hạc lại lên tiếng, trước những ánh mắt ngạc nhiên đang đổ dồn về phía mình cậu thản nhiên nói tiếp. – “Chuyện này là Đại sai nhưng gã cũng nhận được một bài học rồi, nếu biết suy nghĩ gã sẽ không dám tìm con sinh sự nữa đâu. Gã hồ đồ nhưng người nhà gã không hồ đồ sớm muộn cũng sai người sang nhận lỗi. Lại nói tuy rằng gia thế nhà gã không cao nhưng cha gã cũng là người làm quan, coi như nhà đó nợ nhà chúng ta một lần sau này chốn quan trường cha đòi lại món nợ này cũng không muộn.”
Lời nói điềm đạm của Hạc khiến cơn giận trong lão Giàu nguội dần, cẩn thận suy nghĩ những lời Hạc vừa nói đúng là không sai.
Đôi mày nhíu chặt trên mặt lão Giàu dần giãn ra, lão nói.
“Con nói đúng, dù sao cũng đều là quan cùng một nơi nay ta nhất quyết làm lớn chuyện khiến nhà ấy ghi thù không chừng sau này sẽ ngáng đường ta thăng quan tiến chức.”
Nói rồi lão Giàu nhìn Hạc không che giấu sự tán thưởng, lão khen.
“Con biết giúp ta suy nghĩ chu toàn trước sau như vậy xem ra đã lớn thật rồi! Tốt lắm!”
“Cha quá lời rồi, con được như vậy đều nhờ ơn dưỡng dục của cha mẹ.” – Đột nhiên Hạc nhớ lại Thiên từng khuyên cậu không nên răm rắp nghe theo bà cả mà ở yên trong phủ, đây là một cơ hội tốt để làm việc ấy, Hạc nhìn lão Giàu nói tiếp. – “Cũng nhờ lần này ra khỏi phủ thấy thế thái dân tình nên con mới biết cách đối nhân xử thế cho hợp tình hợp lí.”
Lão Giàu gật gù tỏ vẻ tán đồng, lão nói.
“Người xưa có câu đi một ngày đàng học một sàng khôn, cứ ở trong phủ thì sao biết được trời cao đất rộng ngoài kia ra sao. Từ mai con nên đến những buổi bình thơ của thầy đồ trong vùng nhiều hơn, học thêm cái mới nhân tiện kết giao thêm với con cái quan lại.”
Bà cả nghe vậy trong lòng thầm than không ổn. Lão Giàu làm thế này chẳng phải sẽ khiến bao công sức, toan tính của bà đổ sông đổ bể hết sao?
Từ sau lần Hạc cãi lời bà cả vào năm cậu 4 tuổi bà đã nhận ra cậu không phải kẻ nhu nhược như bà Hai. Nếu để Hạc tiếp xúc với đủ thứ người muôn hình vạn trạng ngoài kia, lại kết giao cùng con cái nhà quan e rằng tính cách của Hạc sẽ càng khó trị, thậm chí còn mưu tính trả thù bà. Bởi thế bà cả luôn tìm mọi cách ngăn cản cậu ra khỏi phủ, sống trong tầm mắt của bà lại thêm bà hai yếu đuối nhát gan bên cạnh, đến khi được rời phủ cũng đã trở thành kẻ tầm thường vô dụng, không thể gây ra sóng gió gì với bà.
Bà cả lo sợ tính toán như vậy cũng chẳng quá chút nào. Hôm nay Hạc chỉ đi thưởng sen có nửa ngày mà đã dám ngầm chỉ trích bà ba. Nếu để cậu tự do tự tại chắc chắn những hà khắc bao năm qua cộng thêm chuyện năm đó bà từng làm e rằng cậu nhất định không bỏ qua.
Bàn tay bà cả giấu trong ống tay áo lặng lẽ siết chặt, bà hơi nhíu mày lo lắng hỏi.
“Nhưng sức khoẻ của Hạc từ trước đến nay không tốt, mà nói dại mồm không may lại gặp kẻ có tâm địa độc ác cố ý gây sự thì làm thế nào?”
“Vậy đi đâu mang theo nhiều gia nhân là được, Hạc cũng sắp lớn rồi không thể cứ mãi bao bọc như đứa trẻ được.”
Sau khi kể xong chuyện ở hồ sen Trúc chỉ lặng im ngồi nghe, dù sao đây là việc trong nhà Hạc nàng không nên can dự. Cũng chính vì nghe nhiều nói ít mà nàng quan sát được sắc mặt từng người, nhờ vậy mà đã nhận ra không chỉ lời nói mà cả suy nghĩ của Hạc có thay đổi so với trước đây.
Những năm qua nàng luôn thấy Hạc nhẫn nhịn bà cả với bà ba nhẫn nhịn đến mức vô lí, đã nhiều lần nàng nói bóng nói gió thậm chí nói thẳng với Hạc điều này. Lần nào cũng vậy, trong ánh mắt của Hạc có gì đó xao động nhưng rốt cuộc chỉ kết thúc bằng sự im lặng. Trúc biết Hạc không phải kẻ yếu hèn nhu nhược, trong lòng cậu không hề muốn khúm núm trước hai bà, chỉ là nàng nhận ra có điều gì đó đang buộc cậu phải làm vậy.
Nay Hạc đột nhiên không còn mặc kệ bà cả bà ba chỉ tay năm ngón vào việc của cậu nữa, rất có khả năng có người lựa lời khuyên nhủ cậu dứt bỏ được cái vướng bận đó. Linh cảm mách bảo nàng rằng người ấy có thể là Thiên, chàng là người duy nhất mới xuất hiện cạnh Hạc mà đã thân cận với cậu, lại thêm cử chỉ của Hạc đối với Thiên có sự thân thiết và tín nhiệm đặc biệt mà trước nay nàng chưa từng thấy.
Nghĩ đến đây trong lòng nàng chùng xuống, nhưng ngoài mặt vẫn cười nói giúp Hạc.
“Con nghĩ rằng chỉ cần là người có đầu óc sẽ biết vuốt mặt phải nể mũi, hơn nữa đã có chuyện của Đại làm gương ắt sẽ không có ai phạm vào vết xe đổ ấy đâu.” – Trúc lấy một miếng bánh từ trong đĩa, khéo léo chuyển chủ đề. – “Nếu con không lầm thì đây là bánh Như Ý (1) phải không bác?”
Dù trong lòng bà cả có không muốn để Hạc được ra khỏi phủ đến đâu nhưng lão Giàu đã quyết, lại thêm Trúc cố ý nói sang chuyện khác bà chỉ có thể nén giận mà thuận theo.
“Đúng rồi đây chính là bánh Như Ý. Ta từng được nếm thử bánh này vài lần thấy ngon nên làm theo, nhưng để so với bánh do chính người Phú Xuân làm e là còn kém xa.”
Rốt cuộc chỉ bằng vài câu nói chuyện trên bàn trà được đổi sang những món bánh mứt nức tiếng của vùng Phú Xuân. Ngoài mặt cả ba bà vợ của lão Giàu đều chú tâm vào nói chuyện làm bánh mứt thế nào cho ngon cho đẹp, bầu không khí vui vẻ hoà thuận lắm. Nhưng thực chất trong lòng các bà nghĩ gì, có thật sự vui hay không cũng chỉ bản thân họ mới biết.
– —
Chú thích:
(1) Bánh Như Ý (Như Ý bính): Tên bánh và hình ảnh tham khảo từ triển lãm chủ đề “Bánh mứt cung đình” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh – hậu duệ của Đội trưởng Đội Thượng Thiện Hồ Văn Tá triều vua Khải Định và Bảo Đại tổ chức ngày 02/05/2016. Triển lãm được giới thiệu ngay trong không gian nhà Tả Trà (Cung Diên Thọ) nơi khách được mời thưởng trà, dùng bánh mứt trong khi chờ đợi được tiếp kiến Hoàng Thái Hậu triều Nguyễn.