Hạc Đầu Đình -Tác giả: Phù Vân - Chương 7: Mất mặt
Dù cho thuyền đang ở giữa hồ có gió, có hơi nước át bớt sức nóng nhưng Hạc vẫn bị ánh nắng làm cho chóng mặt. Âu cũng do cái thân thể bệnh tật này yếu quá, không chịu được lạnh cũng chẳng chịu nổi nóng.
Đột nhiên một cái bóng tròn xoe trùm lên bóng của Hạc, ánh nắng bỏng rát sau lưng cũng bị cản lại. Cậu nhìn sang, thì ra Thiên đã mở ô che cho cậu. Một tay chàng giữ ô, tay còn lại cầm khăn tay cẩn thận lau đi mồ hôi rịn ra trên trán cậu, xong xuôi cậu mới phát hiện đây chính là chiếc khăn tay chàng đã dùng để lau đi vệt nước trà trên cằm cậu vào hôm chàng tới phủ.
“Ông ơi quay lại thôi, nắng quá rồi!” – Thiên hô to với ông lão chèo thuyền.
Ông lão gật đầu khua mái chèo đổi hướng cho thuyền quay lại bờ. Khi thuyền về bến đỗ sắc mặt Hạc đã trắng bệch. Thiên nhìn mà nóng ruột, chàng vội vàng thu ô đỡ lấy cậu.
“Hay là tôi đi gọi Lúa với anh đánh xe rồi chúng ta về phủ?”
Hạc dựa vào Thiên chờ cơn chóng mặt tan đi mới trả lời.
“Ta chỉ thấy hơi chóng mặt nghỉ một lát là ổn thôi. Chẳng mấy khi ra khỏi phủ cứ để họ chơi cho thoải mái không cần vội về phủ đâu, dù sao ta cũng chưa muốn về đã lâu rồi ta mới ra khỏi phủ.”
Thiên vẫn lo lắng không thôi, chàng vừa định khuyên cậu đã chặn lời.
“Ta thật sự không sao mà, anh không tin ta sao?”
Chàng biết thế này là không thuyết phục được cậu rồi, chàng cũng hết cách đành đồng ý với cậu.
“Thôi được rồi tôi nghe theo cậu, nhưng thấy mệt là phải bảo tôi ngay đấy nhé để tôi đưa cậu về trước.”
Bây giờ đã vào thời điểm nắng gắt người đến thưởng sen đều kéo nhau vào hàng quán tránh nắng, quán nào cũng đông đúc ồn ào. Hai người chọn mãi mới tìm được một quán ít ồn ào để ghé vào nghỉ chân.
Khi hai người sánh vai cùng đi vào quán có mấy cô gái trẻ lẫn mấy anh con trai ngừng nói chuyện nhìn theo Hạc, thậm chí có người ghé tai nhau nhỏ giọng hỏi han xem đây là cậu ấm nhà ai mà tuấn tú như vậy.
Thiên tinh tai nên mấy lời ấy chàng đều nghe thấy hết. Cậu chủ của chàng đúng là có gương mặt đào hoa, cứ ra khỏi phủ là lại khiến đôi ba người ngoái lại nhìn, mà nói gì người ta đến chàng thấy cậu cũng ngây ra ngắm nữa là.
Còn Hạc, từ khi vào quán cậu chỉ để mắt đến hồ sen không xa chẳng đoái hoài gì đến mấy lời bàn tán về cậu, xem chừng cậu chẳng mặn mà gì chuyện được nhiều người để ý. Kể cũng phải, qua câu nói của Hạc khi ở trên thuyền Thiên đoán ra chắc hẳn cậu có người trong lòng rồi, đã như vậy thì còn lòng dạ đâu quan tâm đến người khác nữa?
“Bẩm, cho hỏi hai cậu dùng gì nhỉ?”
Tên chạy vặt trong quán nhìn trang phục lẫn phong thái của Hạc đã nhận ra ngay đây là cậu ấm của gia đình giàu có hoặc quyền thế, những người có xuất thân cao sang thế này thường chi tiền hậu lắm. Gã mừng thầm trong bụng vội vàng xách ra một ấm trà sen rót vào chén cho hai người.
Lúc này Hạc mới rời mắt khỏi hồ sen, cậu vốn chẳng ham mê gì chuyện ăn uống, lại thêm việc người ngợm không thoải mái thành ra càng chẳng muốn ăn, cậu nói với Thiên.
“Anh chọn đi, anh muốn ăn món gì thì gọi món ấy.”
Thiên gật đầu, nhưng chàng không chọn món dựa theo khẩu vị của bản thân mà dựa theo khẩu vị của Hạc.
Dù chỉ là vài món thanh đạm nhưng tên chạy vặt nghe xong hớn hở ra mặt, quả nhiên là người có tiền có khác muốn ăn là gọi, khác hẳn cái phường nghèo kiết xác mà sĩ diện hão tỏ ra ta đây giàu có, cố gọi món đắt nhất rồi kì kèo thêm bớt làm gã nhức cả đầu.
Trong thời gian chờ quán chuẩn bị đồ ăn Thiên không có việc gì làm lại nghĩ đến người trong lòng của Hạc.
Người ấy là ai? Hai người đã quen biết lâu chưa? Là nhờ duyên số nên biết nhau hay do mai mối? Mà kể cũng lạ, nếu Hạc đã đem lòng để ý đến ai đó thì người theo hầu lâu năm như Lúa phải biết chứ nhỉ? Với cái mồm tép nhảy của gã mà biết thì đảm bảo sẽ kể ngay với chàng, đằng này lại chẳng thấy gã nói gì. Hay là cậu không nói cho gã?
Tự hỏi nhưng rồi chẳng thể tự trả lời, có điều Thiên không hỏi Hạc, bởi như vậy không hợp quy củ, làm gì có chuyện tôi tớ lại đi quản chuyện của chủ nhân bao giờ, hơn nữa chàng không muốn nghe cậu kể về cô gái ấy.
Chỉ là lòng Thiên bứt rứt mãi không thôi, chàng chẳng hiểu vì sao bản thân cứ đi quan tâm đến chuyện duyên nợ của Hạc, càng chẳng hiểu nổi cái thứ khó chịu ghen tị này là do đâu. Đột nhiên chàng nghĩ có lẽ bởi chàng nhiều tuổi hơn cậu, hơn nữa còn biết được cuộc sống của cậu không thật sự vui vẻ nên mới đâm ra lo lắng thế này, dù sao trong chuyện cưới hỏi dù là người ngoài cuộc nhưng người nhiều tuổi hơn vẫn thường lo lắng cho người trong cuộc mà.
Thì ra tất cả chỉ là sự quan tâm, lo lắng của người lớn hơn dành cho người nhỏ tuổi thôi.
Nghĩ đến đây Thiên vừa thấy nhẹ nhõm vừa thấy hụt hẫng.
Bên kia bàn gỗ Hạc ngẩn người nhìn ra hồ sen trông như đang ngắm sen nhưng thật ra trong đầu cậu cũng đang tự hỏi giống Thiên, nhưng cậu không vướng vào rối rắm lâu như chàng. Cậu nhận ra cậu lưu luyến cái nắm cổ tay của Thiên, cậu tin tưởng chàng, những lúc ở cạnh chàng luôn thấy thoải mái hơn khi ở cạnh người khác. Tất cả những điều ấy có lẽ do chàng không toan tính mưu lợi với cậu mới khiến cậu sinh ra tin tưởng và an tâm. Tình cảm này gọi tên là tình tri kỷ phải không?
“Ngươi mau nhìn hộ ta xem kia là ai?”
Tiếng hô to bằng giọng điệu giễu cợt át cả tiếng ồn ào trong quán khiến mọi người đều quay ra nhìn. Hạc cũng nhìn về phía tiếng nói sắc mặt cậu chợt thay đổi. Thiên nhìn sắc mặt Hạc là hiểu ngay cậu không thích người vừa lên tiếng, chàng tò mò quay ra nhìn thử.
Kẻ lên tiếng là một gã trai mới chỉ tầm tuổi Hạc nhưng đã có dáng vẻ khệnh khạng chẳng khác gì quan lớn, mặt gã hếch lên tận trời, đôi mắt lươn nhìn chằm chằm vào Hạc trông có vẻ gì đó cay cú lắm.
Kể ra không cay cú mới lạ, còn nhớ trong lần thầy đồ tổ chức buổi đối thơ làm văn rồi bàn chuyện dân tình cho học trò trong vùng, người được học ở trường huyện luôn tự cho bản thân thông minh tài giỏi hơn người là gã đây lại không trả lời được mấy câu bàn về dân tình của Hạc. Đám học trò có mặt tại đó lén lút chụm đầu cười nhạo gã đồng thời lại tán thưởng Hạc, đến cả thầy đồ cũng lên tiếng khen ngợi cậu. Chuyện đó khiến đám học trò học cùng gã ở trường huyện suốt ngày cười gã ếch ngồi đáy giếng không biết thế thái dân tình, làm gã mất hết cả mặt mũi chẳng còn đâu dáng vẻ kiêu ngạo oai phong như trước nữa. Thử hỏi như vậy có đáng cay cú hay không?
Tất cả là do Hạc gây ra, nếu cậu không đến buổi đối thơ văn hôm ấy thì gã đã chẳng mất mặt như vậy, gã sẽ vẫn là người tài giỏi nhất cái vùng này. Phải! Tất cả mọi chuyện là do Hạc gây ra!
“Dạ bẩm cậu, là cậu cả nhà ông Tri huyện đấy ạ.” – Tên hầu đi theo gã vừa phe phẩy quạt vừa trả lời gã.
“Hoá ra là Hạc thật à?”
Gã vênh váo đi đến chỗ bàn của Thiên với Hạc, theo sau là một hàng kẻ hầu người hạ cứ như quan lớn không bằng. Gã liếc cái ghế gỗ còn trống bên cạnh Hạc khuôn mặt to bè cau lại như đang phải nhìn thứ bẩn thỉu, gã chỉ tay vào ghế quát lên.
“Còn đứng đực ra đấy? Lau đi nhanh lên!!!”
Tên tôi tớ theo hầu gã vội vàng khom người dùng tay áo lau ghế, xong xuôi gã mới ngồi xuống.
Chuyện diễn ra trước mắt khiến Thiên cảm thấy khó chịu, dù biết tôi tớ theo hầu chủ nhân là chuyện bình thường nhưng cách gã trai này đối xử với tôi tớ cứ như đang đối xử với trâu ngựa vậy. Rốt cuộc chàng cũng hiểu được một phần lý do khiến Hạc không vui khi thấy gã.
Mà gã trai tất nhiên chẳng để ý đến sắc mặt của ai, gã ngồi xuống ghế, đôi mắt ti hí chỉ nhìn chằm chằm vào Hạc rồi cất giọng mỉa mai.
“Trước giờ toàn giấu mặt trong phủ cứ như gái đẻ nay lại xuất hiện ở đây ta còn tưởng ta hoa mắt nhìn nhầm.”
Hạc nhíu mày, cái giọng nói the thé khiến cơn đau trong đầu cậu tăng lên, cậu nhấp một ngụm trà che đi vẻ mặt khó chịu vì đau, chờ điều chỉnh xong biểu cảm trên mặt cậu mới nhìn gã nhướn mày hỏi.
“Trước kia ta có biết ngươi? Sao ta không nhớ ta từng quen người như ngươi nhỉ?”
Gã trai vừa rồi còn đắc ý nghe vậy mặt đổi sắc, gã trợn con mắt ti hí lên nhưng khổ nỗi mí mắt đầy mỡ cứ sụp xuống khiến con mắt gã chẳng mở to hơn bình thường là bao. Gã quát lên.
“Ngươi… ngươi có ý gì?”
“Ý trên mặt chữ.” – Hạc trả lời, giọng điệu lạnh lùng. – “Ta đã nói không biết ngươi là ai thì chẳng phải ngươi nên tự xưng tên họ hay sao? Đến điều này cũng cần người khác nhắc?”
Lời nói của Hạc khiến sắc mặt gã càng đen như đít nồi, gã ghét cay ghét đắng cái dáng vẻ ung dung thản nhiên này của cậu, bởi ngày đó cậu cũng dùng chính cái phong thái này dồn ép gã, khiến gã mất mặt.
Chợt, gã thấy mấy người trong quán lén lút chỉ chỏ gã, gã lại càng sôi máu. Cái thằng ranh con này lúc nào cũng khiến gã mất mặt. Không! Gã không thể để yên thế này được!
Gã cố nặn ra một nụ cười méo mó cao giọng nói.
“Cậu Hạc đây đúng là hay quên. Thôi thì ta tự xưng tên họ lần nữa vậy, ta tên là Đại, chúng ta từng gặp nhau trong lần đối văn thơ ở nhà thầy đồ vào năm ngoái đấy thôi, khi ấy ngươi kiêu căng biết bao nhiêu vậy mà cũng nỡ quên sao?”
Kiêu căng? Thiên cảm thấy thật nực cười, không ngờ lại có người dùng từ kiêu căng để nói về tính cách của Hạc. Nói ra lời dối trá kệch cỡm thế này chỉ có thể là do gã đang cố ý bôi nhọ Hạc.
Rồi không chờ Hạc lên tiếng Đại nhìn về phía Thiên giả vờ ngạc nhiên hỏi rằng.
“Đây không biết là con trai nhà quan lại nào nhỉ? Sao lại ăn mặc hà tiện thế kia?”
Ngoài mặt gã nở nụ cười chờ xem trò vui còn trong lòng đang thầm phỉ nhổ Thiên. Dù rằng quần áo trông cũng chỉnh chu đấy nhưng nhìn một cái là ra đây chỉ là một thằng hầu. Nếu không phải Đại muốn làm Hạc mất mặt thì đừng hòng gã hạ mình nói đến phường nghèo hèn này.
Quả nhiên sắc mặt Thiên hơi đổi, nhưng chàng vẫn trấn tĩnh trả lời.
“Bẩm cậu, tôi chỉ là người theo hầu cậu cả.”
Đại nghe thế không kìm được mà cười khoái trá, cái nọng bóng nhẫy dưới cằm rung lên theo điệu cười của gã, trông đến là thô thiển.
“Khi nãy ta thấy tên này lôi kéo ngươi chạy ra chỗ thuê thuyền, giờ lại ngồi cùng bàn với nhau còn tưởng là con cái nhà ai hoá ra chỉ là một thằng hầu.” – Gã nhìn Hạc, cả ánh mắt và giọng nói đều lộ ra sự coi thường. – “Xuất thân danh gia vọng tộc mà lại đi cùng kẻ tôi tớ nghèo hèn như vậy, xem ra cậu Hạc đây chẳng sợ mất mặt nhỉ?”
Đại tự biết gã không thể tìm được chuyện khiến Hạc xấu mặt, người này xưa nay không mê mấy cái thú của bọn con trai như đánh bài, nhậu nhẹt hay chọi gà, thậm chí cũng chẳng bao giờ dính đến chuyện nam nữ thì làm sao vạch lá tìm sâu? Cũng may trời giúp gã, chẳng hiểu Hạc nghĩ sao mà lại đi cùng một thằng tôi tớ, có thằng hầu này ở đây gã mới có chuyện để khiến cậu xấu mặt.
Quả nhiên những lời của Đại khiến Thiên lo ngay ngáy. Vậy là điều chàng e sợ đã đến, gã đang dựa vào việc chàng nắm cổ tay Hạc mà bôi nhọ thanh danh của cậu, chỉ trách bản thân chàng khi ấy hành động xốc nổi khiến Hạc cũng bị liên luỵ.
Ngay khi Thiên toan lên tiếng nhận lỗi về bản thân chàng bỗng bắt gặp ánh mắt và cái nghiêm mặt của Hạc, khoảnh khắc bốn mắt chạm nhau chàng hiểu cậu đang tỏ ý để cậu giải quyết việc này. Thiên đành kìm xuống những lời vừa định nói ra, ngồi yên nhìn Hạc.
Trước bao ánh mắt với đủ thứ cảm xúc từ lo lắng, tò mò đến hả hê của người khác mà Hạc chẳng có vẻ gì là sợ hãi hay chột dạ, cậu còn đang điềm tĩnh thưởng trà là đằng khác.
Đại nhìn mà vừa kinh ngạc vừa bực bội, rõ ràng thứ quan trọng nhất với kẻ Sĩ (1) là thanh danh vậy mà Hạc vẫn bình tĩnh như vậy là sao?
Trời đất ơi! Càng nhìn Đại lại càng tức lộn cả tiết, gã không thể chịu được cái dáng vẻ này của cậu, gã muốn thấy cậu phải hoảng sợ phải luống cuống giải thích chứ không phải thản nhiên thế này!
“Mất mặt?” – Hạc cười nhưng ánh mắt nhìn Đại sắc lẹm khiến gã cảm thấy sợ hãi luống cuống tránh đi ánh mắt ấy. – “Vậy ngươi nói xem người đi cùng ta có điểm nào khiến ta phải mất mặt? Dù cho anh ta xuất thân nghèo khó nhưng cái tài cái đức chẳng hề thua kém người khác thì thử hỏi mất mặt chỗ nào? Nếu ngươi cho rằng xuất thân nghèo khó là hèn kém thì ngươi đã quên cha ngươi cũng xuất thân trong gia đình dân đen đấy sao? Ngươi nghĩ vậy có khác gì đang chửi vào mặt cha ngươi?”
Mặt Đại sượng lại, chuyện gã muốn nói đến là thân phận nô bộc phải theo sau hầu hạ người khác cơ mà, sao Hạc lại lái ý gã sang chuyện xuất thân? Tổ cha nhà nó, đã vậy còn lôi cả xuất thân của cha gã ra, nếu gã còn nói chuyện này thì sẽ thành bất hiếu chứ còn gì nữa!
Rồi không để Đại kịp nghĩ cách chuyển hướng câu chuyện đã nghe Hạc dùng giọng điệu khinh thường nói tiếp.
“Phải ngồi cùng với kẻ được học tứ thư ngũ kinh mà đắm chìm trong cờ bạc rượu chè, không biết trời cao đất dày giở trò trêu ghẹo con gái nhà lành khiến người ta lấy đòn gánh đuổi đánh mới là thứ khiến ta cảm thấy mất mặt.”
Thiên ngây ra nhìn Hạc, chàng không ngờ cậu chỉ dùng vài câu nói thôi mà khiến mọi chuyện êm xuôi nhanh như vậy, không chỉ tránh được việc thanh danh của cậu bị bôi nhọ mà còn giúp chàng không bị coi thường vì thân phận tôi tớ, nếu khi nãy chàng lên tiếng thì e rằng đã bị Đại sỉ nhục rồi.
Thì ra cậu chủ của chàng ngày thường hiền lành, khoan dung là vậy nhưng một khi đã thị uy lại khiến kẻ khác phải cứng họng.
Những người trong quán nghe thấy lời Hạc nói xôn xao chụm đầu nhỏ giọng bàn tán. Có mấy người thuộc phường có tiền có quyền bạo miệng hơn nói với nhau.
“Trời đất! Bảo sao thấy mặt tên này quen quen, thì ra là cái thằng bị con gái lão bán thịt đuổi đánh mấy năm trước chứ ai!”
Người bên cạnh cũng chợt nhớ ra chuyện gì đó vội vàng tiếp lời.
“Này này tôi cũng có nghe người ta kể gã đó thấy con gái người ta đẹp nên định dở trò dê xồm ai ngờ bị nàng ta chửi như tát nước vào mặt, còn cầm đòn gánh đuổi đánh nữa chứ.”
Có người mỉa mai.
“Ối giời ơi còn tưởng thế nào hoá ra chỉ là cái thứ cậu ấm sứt vòi!” (2)
Những người khác nghe thế bấm bụng nhịn cười, ai đời sinh ra trong nhà quan được học tứ thư ngũ kinh mà lại làm ra cái trò đồi bại chọc ghẹo con gái, đã thế còn bị người ta đuổi đánh đúng là đẹp mặt!
Mấy lời bàn tán ấy khiến Đại điên tiết đến nghiến răng nghiến lợi, khuôn mặt to bè đỏ lừ vì giận dữ.
Trong cơn giận sôi máu cái dáng vẻ thản nhiên của Hạc chẳng khác gì đang cố tình đổ thêm dầu vào lửa.
Lại là Hạc! Lại là thằng ranh con này khiến gã xấu mặt, lần này gã không thể tha cho nó được!
Không đánh được võ mồm thì gã sẽ dùng nắm đấm!
“Hôm nay tao đánh cho mày dở sống dở chết xem mày còn dám vênh váo như thế nữa không?”
Rồi một việc không ai có thể ngờ đến xảy ra, Đại thình lình hét lên hung tợn vung nắm đấm hướng thẳng về phía Hạc.
—-
Chú thích:
(1) Kẻ Sĩ: chỉ Sĩ trong tứ dân thời phong kiến gồm Sĩ, Nông, Công, Thương. Sĩ là những người thuộc tầng lớp trí thức, những người có học có hiểu biết về chữ nghĩa như thầy đồ, thầy thuốc, quan lại, học trò.
(2) Cậu ấm sứt vòi: theo từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên cậu ấm sứt vòi dùng để mỉa mai con nhà quan đã sa sút. Còn theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công thành ngữ “cậu ấm sứt vòi” chẳng qua chỉ là cách chơi chữ, đồng nghĩa “ấm” 蔭 (trong “tập ấm” 襲蔭), với “ấm” (trong “ấm nước”) để chế giễu, mỉa mai con cái nhà quan, được hưởng ân đức, bổng lộc của cha ông mà dốt nát, hư hỏng, hoặc lớn lên khi gia cảnh đã thất thế (giống như “đích tôn”, giễu thành “đít tôn”, “đít vại”…).