Hạc Đầu Đình -Tác giả: Phù Vân - Chương 4: Tin tưởng
Chỉ là nằm trong chăn mới biết chăn có rận, người bên ngoài tưởng đây là chốn sung sướng như trên trời, tưởng người làm ở trong này chẳng cần làm gì nặng nhọc chỉ cần đi theo nịnh nọt chủ nhân là kiếm được khối tiền khối bạc. Nhưng nào có vậy, đến ăn còn phải nhai thì thử hỏi một đồng của phường giàu có có dễ nuốt không?
Phép tắc quy củ cho bọn tôi tớ trong phủ nhiều vô kể, làm sai việc nhỏ là bị mắng đến nỗi không ngẩng nổi đầu còn làm sai việc lớn thì bị phạt đánh bằng gậy. Đám tôi tớ vì theo hầu các chủ nhân khác nhau nên chia thành năm bảy loại bè cánh, trong đám người ấy có một số ngoài mặt thơn thớt nói cười bên trong nham hiểm giết người không dao. So với phường trộm cướp đầu đường xó chợ cũng chẳng kém.
Phận tôi tớ là vậy, còn người làm chủ nhân phức tạp hơn rất nhiều. Lão Giàu cưới tất cả ba bà vợ, bà cả tên Thư là người xuất thân danh gia vọng tộc môn đăng hộ đối với nhà lão Giàu. Bà ba tên Tiên thì trẻ đẹp nhất trong số ba người, bà đẹp cứ như gái đôi mươi vậy. Còn bà hai tên Thuý tuy gia thế không bằng bà cả, nhan sắc có phần kém hơn bà ba nhưng bà lại là người rất được lòng lão Giàu, bởi nhiều năm qua chỉ có một mình bà hai sinh được cho lão mụn con trai nối dõi tông đường là Hạc. Từ ngày Hạc ra đời lão yêu thương chiều chuộng bà hai hơn hẳn, vàng bạc trang sức hay thứ đẹp đẽ gì cũng thưởng bà đầu tiên, đi chơi ở đâu cũng đưa bà hai theo, đến tối lão toàn ngủ lại chỗ của bà. Cái kiếp chồng chung là vậy, chồng chung chồng chạ ai khéo hầu hạ thì là chồng riêng thôi!
Cũng vì lẽ ấy mà bà cả với bà ba ghen ghét lắm. Nhưng ngặt nỗi bà hai cứ dính lấy lão Giàu nên hai bà chẳng làm gì được, đành quay sang trút cái hận ấy lên Hạc. Mắng mỏ quát nạt gì thì cũng là thương cho roi cho vọt, là mẹ có lòng dạy dỗ con, có cái lý này áp lên đầu thì bà hai hay Hạc cũng chẳng cãi nổi đâu. Chứ mà dám mở mồm ra mà cãi ấy hả, là thứ con bất hiếu!
Vừa mới tờ mờ sáng nay dùng xong bữa sáng là lão Giàu đã mang bà hai đi thưởng sen, bà cả biết tin thì điên tiết lắm, năm lần bảy lượt bà mời ông đi thưởng sen mà có lần nào ông gật đầu đâu, lần thì bận chuyện này lần thì bận chuyện kia. Á à lại dám kêu bận việc, bận hả? Có mà bận hú hí với con ả vợ bé thì có, trông kìa con ả mở miệng một cái là lão đã hớn hở đi cùng ả ngay, hỏi sao bà lại không tức cho được?
Bởi thế mà lão Giàu với bà hai vừa đi khuất bà cả đã sa sầm mặt đi đến chỗ ở của Hạc.
Lúa nghe tin bà cả đến thì mặt mày tái mét, Hạc trông bộ dạng hồn lìa khỏi xác của gã cũng không đành lòng để gã ở lại hầu, cậu bảo gã đi ra cổng xem thầy đến chưa còn ở đây đã có Thiên theo hầu cậu, gã nghe thế thì mừng quýnh lên ba chân bốn cẳng chuồn khỏi nhà phụ.
Cũng vừa lúc ấy bà cả đến nơi, Thiên theo sau Hạc ra chào bà. Tuy bà cả là người lớn tuổi nhất trong ba bà vợ của lão Giàu nhưng trông bà hãy còn trẻ và đẹp lắm, có điều sự cay nghiệt trên mặt bà hoàn toàn át hết những nét đẹp ấy. Sắc mặt bà khiến Thiên cảm thấy cứ như người trong cái nhà phụ này nợ bà mấy đấu gạo không bằng, mà bà thì đang ba máu sáu cơn đến đòi nợ. Còn Hạc, cậu lại dửng dưng như không bởi cậu đã quen rồi.
Bà cả liếc Hạc một cái, chẳng nói chẳng rằng mà đi thẳng vào gian chính rồi không chờ cậu nói gì đã ngồi xuống trường kỷ, đứa hầu đi theo bà nhanh nhẹn pha trà rót nước sau đó lui ra sau đứng bóp vai cho bà. Cả hai tự nhiên cứ như là chủ của nhà phụ này vậy.
Hạc lại chẳng mảy may bận lòng gì với cái thái độ trịnh thượng ấy của bà cả. Cậu đi đến ngồi xuống cái ghế đối diện trường kỷ. Thái độ của cậu khi nhìn bà cả hờ hững đến mức lạnh nhạt lại không hề có cử chỉ thân mật nào khi gặp người thân, vừa nhìn là hiểu mối quan hệ của cậu với người đàn bà này không thân thiết, thậm chí còn có thể nói là không tốt.
“Đứng lên để ta xem nào, con ngồi như thế thì sao ta nhìn được con gầy đi hay con béo lên?”
Bà cả thong thả hớp một ngụm trà, đôi mắt tô vẽ sắc lẻm như móc câu nhìn chòng chọc Hạc đứng lên khỏi ghế rồi đi đến trước mặt bà. Ánh mắt ấy săm soi đảo tới đảo lui khiến cậu cảm thấy đó không còn là ánh mắt của con người nữa, mà là một con rắn độc đang quan sát chực chờ ăn tươi nuốt sống con mồi vào bụng.
“Lại gầy đi rồi, sao con cứ suốt ngày kén cá chọn canh không chịu ăn uống tử tế thế hả?” – Bà cả đặt mạnh chén trà xuống bàn, lớn giọng trách mắng. – “Ta biết con phải dùng thuốc khiến giờ giấc ăn uống khác cả nhà nên đã nhân nhượng cho con ăn riêng trong phòng, nhưng có phải con thấy ta nhân nhượng cho con một lần thì con được đằng chân lân đằng đầu đúng không? Là ai dạy con cái thói thích xa hoa lãng phí đồ ăn như vậy hả?
Thiên đứng ngay sau Hạc nên cũng phải nghe hết mấy lời trách mắng ấy. Lòng chàng càng lúc càng thấy tức giận, theo hầu Hạc từng ấy thời gian chàng chưa quá hiểu rõ tính cậu thế nào nhưng sinh hoạt hằng ngày của cậu thì chàng ghi cả vào đầu rồi. Hạc chẳng hề có cái thói ăn uống xa hoa hoang phí như bà cả nói, bữa ăn nào của cậu cũng chỉ có ba món mặn một món canh, so với dân nghèo thì đấy là bữa ăn ngon nhưng so với phủ này thì chỉ là bữa ăn bình thường thôi. Bà cả biết cậu ngày nào cũng phải uống thuốc thì nào có chuyện không biết uống thuốc rồi sẽ không còn khẩu vị ăn uống nữa. Đây là cố tình làm khó cậu chứ quan tâm cái nỗi gì?
Không được! Chàng không thể nhìn Hạc bị móc mỉa vô lý như vậy. Nghĩ vậy chàng lập tức bước lên chắn trước mặt Hạc, vái bà cả một vái cho đúng quy củ chàng bình tĩnh nói.
“Bẩm an nhân (1), con là người theo hầu bên cậu cả nên con biết cậu luôn khắc ghi trong lòng những lời bà dạy dỗ không dám làm trái. Cậu vì uống thuốc trước lúc dùng bữa mà không thể ăn nhiều, bởi thế cậu đã dặn nhà bếp nấu ít đi chỉ đủ ăn không gây lãng phí. Ông lớn sau khi biết chuyện này lại sai người trong nhà bếp nấu như thường lệ còn tăng thêm món rồi chia làm nhiều bữa vì sợ cậu đói bụng. Vậy bà xem nên làm sao đây ạ?”
Bà cả vốn đang hả lòng hả dạ vì kiếm được cớ trách mắng Hạc khi nghe những lời này sắc mặt lập tức thay đổi. Nếu lão Giàu đã ra lệnh thì còn gì để nói nữa? Bà đang muốn tìm cách kéo lão về phía bà thì đâu có dại mà làm trái ý lão.
Hôm nay đúng là đen đủi chẳng việc gì đúng ý bà cả. Bà đành ngậm bồ hòn làm ngọt trả lời qua quýt.
“Thật tình, ông lớn vẫn luôn nuông chiều Hạc như đứa trẻ vậy, thôi ông có lòng yêu thương con cái như vậy thì tôi tớ các ngươi cứ nghe theo lệnh ông lớn đi.” – Nghĩ một lát lại thấy chẳng còn gì để lôi ra mắng mỏ nữa bà cả đành đứng lên, mất hứng nói. – “Ta đến hỏi thăm sức khoẻ con vậy thôi, trong phủ còn nhiều việc cần quán xuyến ta không ngồi lâu được.”
“Vâng thưa mẹ cả, để con tiễn mẹ về.”
Chờ bà cả đi khuất bóng, Hạc quay sang nhìn Thiên, chàng không hiểu vì sao đôi mắt ấy lại có những cái nhìn khiến trái tim trong lồng ngực chàng lại đập nhanh thế này. Cái nhìn của cậu giống như bầu trời trên cao kia đẹp đẽ là vậy nhưng lại không hiểu được nó. Đứng trước bà cả chàng cũng không lúng túng như bây giờ, chàng hỏi.
“Tôi nói gì sai sao?”
Hạc lắc đầu, cậu quay vào gian chính rồi ngồi xuống ghế, đôi chân tê mỏi cuối cùng cũng được thả lỏng. Cậu biết bà cả cố tình kiếm cớ bắt cậu phải đứng thôi chứ gầy béo ra sao nào có chuyện phải đứng mới nhìn rõ?
Thiên bước đến bên cạnh Hạc ngồi xổm xuống bóp chân cho cậu, chàng đứng một lúc thấy chân hơi mỏi nên biết chắc hẳn chân Hạc cũng chẳng thoải mái. Chàng cau mày hỏi.
“Sao lúc ấy cậu không ngồi xuống ghế? Đứng cho bà cả nhìn một cái là xong cần gì phải đứng lâu như thế?”
“Anh không hiểu tính bà cả đâu, nếu khi ấy ta ngồi xuống thì bà ấy sẽ trách mắng ta không để ý lời bà ấy nói.”
Khi không có mặt bà cả hay bà ba Hạc không gọi họ là mẹ mà chỉ gọi bà cả bà ba, trong lòng cậu vĩnh viễn chỉ có duy nhất một người mẹ là bà hai thôi. Hai người đàn bà kia không sinh ra cậu cũng chưa từng nuôi cậu thì cớ gì lại thành mẹ của cậu? Đấy là còn chưa kể mấy trò độc ác từng làm với mẹ con cậu. Nếu không phải quy củ phép tắc áp đặt thì đừng hòng cậu gọi bọn họ là mẹ.
“Nghe bằng tai chứ có phải nghe bằng chân đâu mà ngồi lại thành không chú ý nghe?” – Thiên nhíu mày, lần đầu tiên trong đời chàng thấy có người suy nghĩ quái đản như vậy.
Hạc cười, một nụ cười mỉa mai.
“Thế mới là lý lẽ của bà cả, bất kể ta làm gì bà ấy cũng có thể quy đó thành tội.” – Hạc thất thần nhìn về phía cửa, những lời bao nhiêu năm qua cậu vẫn luôn muốn tìm người để kể nay rốt cuộc đã được thốt ra khỏi miệng. – “Vào năm ta 4 tuổi lúc ấy suy nghĩ nông cạn không biết suy xét trước sau, thấy bà cả nhiều lần vạch lá tìm sâu trách mắng vô lý ta đã cãi lời bà ấy. Ta không sao quên được lúc đó bà cả trợn mắt lườm ta nhưng miệng lại nở một nụ cười thoả mãn, trông vô cùng đáng sợ, ta sợ đến mức đứng chết trân không dám động đậy. Giờ nghĩ lại bà cả lộ ra biểu cảm ấy là vừa mừng vừa giận, mừng vì ta cãi lời thì bà ấy mới có cớ để phạt nặng, giận vì bà cả luôn cho rằng trong cái phủ này ngoại trừ ông lớn thì ai cũng phải sợ bà ấy, không ngờ ta đột nhiên có gan cãi lời bà ấy như vậy.”
Bàn tay đang bóp chân cho Hạc ngừng lại. Thiên ngẩng đầu nhìn cậu, ngập ngừng chốc lát chàng hỏi.
“Cậu… nói với tôi những việc này không sợ tôi đi nói với bà cả sao?”
Thiên theo hầu Hạc thì tất nhiên cái tâm chỉ hướng về cậu, không có chuyện bán đứng cậu cho người khác. Nhưng Hạc tin tưởng chàng mới dốc lòng nói ra những việc này hay ai cậu cũng nói hết như vậy? Nếu có kẻ lòng dạ toan tính nghe được mà báo với bà cả thì cho dù Hạc không có lời nào xúc phạm bà ta cũng không được sống yên cho mà xem.
Hạc dường như đoán ra băn khoăn trong lòng Thiên, cậu không nói gì mà chỉ yên lặng nhìn chàng. Lần này chàng nhìn ra rồi! Nhìn ra trong đôi mắt khó đoán của cậu không hề che dấu sự tin tưởng!
“Ta biết anh không bao giờ làm vậy nên mới nói cho anh chuyện này. Nếu anh toan tính mưu lợi cho bản thân bằng cách bán đứng ta thì khi nãy đã không nói như thế với bà cả. Hơn nữa, đến cả người ta chọn mà ta cũng không thể tin tưởng thì ta còn biết tin ai đây?”
Còn biết tin ai đây? Một câu hỏi nói bằng giọng nhẹ bẫng như không lại khiến lòng Thiên nặng trĩu. Người trước mặt chàng rốt cuộc đã trải qua bao nhiêu sự gian dối lừa lọc mới phải thốt ra câu này?
“Cậu đừng nghĩ ngợi tôi hỏi vậy vì sợ gặp ai cậu cũng nói chuyện đó thôi. Tôi sẽ không bao giờ phụ sự tin tưởng của cậu đâu, nếu một ngày tôi khiến cậu thất vọng thì đó là ngày tôi không còn là chính con người tôi nữa.” – Cảm thấy mấy lời này quá giống lời tỉ tê tâm tình sợ Hạc chê cười Thiên vội nói sang chuyện khác. – “Phải rồi, chuyện cậu kể sau đó thì thế nào? Bà cả chắc không nhắm mắt cho qua đâu phải không?”
“Ừ, theo ý bà cả lẽ ra ta phải chịu đánh bằng gậy nhưng mẹ chạy đi xin cha nên ta chỉ phải quỳ ở từ đường nửa ngày.”
Thiên sững sờ, năm ấy Hạc mới 4 tuổi chưa kể bệnh tật liên miên, đối xử với một đứa trẻ ốm yếu như thế thì nào có phải phạt mà là muốn cậu ốm liệt giường thì có. Trong lòng chàng xót xa không thôi.
“Chân của cậu…”
“Không sao đâu, chẳng phải bây giờ ta vẫn đi lại bình thường đấy sao? Chuyện đó chẳng vui vẻ gì nên ta vốn không nhớ rõ nữa, do hôm nay thấy bà cả nên đột nhiên nhớ lại thôi.” – Hạc đưa tay vỗ vỗ lên chỗ bên cạnh. – “Chân ta hết tê rồi đừng bóp nữa, lên đây ngồi đi.”
Theo quy củ trong phủ, phận tôi tớ không được ngồi chung một chỗ với chủ nhân trừ khi được chủ nhận cho phép. Nhưng lão Giàu với mấy bà vợ thì chẳng bao giờ cho phép chuyện ấy xảy ra, họ có thân phận cao quý như vậy thì nào chuyện lại ngồi cùng đám tôi tớ xuất thân nghèo hèn? Ngồi cùng chúng thì chẳng phải làm dơ bẩn bản thân hay sao? Chỉ có mỗi Hạc là khác, cậu nói người cao quý hơn người ở chữ tài chữ đức, nếu phẩm giá con người ấy không xấu thì sao có chuyện ngồi cùng lại làm dơ bẩn bản thân?
Thiên bước đến ngồi xuống cạnh cậu, nghĩ ngợi một lát chàng hỏi.
“Ngày rộng tháng dài về sau tôi nghĩ bà cả chắc chắn sẽ lại tìm lý do để trách phạt cậu, cậu tính thế nào?”
Hạc vừa nhìn chén trà dính vết son của bà cả ý định uống trà lập tức biến mất, người ta nói ghét ai ghét cả tông ti họ hàng cũng không sai, chỉ nhìn thấy vết son này thôi trong lòng cậu đã thấy ghê tởm.
“Chuyện có thể nhịn thì nhịn, chuyện không thể nhịn thì lựa lời phản bác lại vài câu. Dù sao bà ta cũng chỉ có thể mắng mỏ chứ không dám đánh ta.”
Thiên lắc đầu.
“Tuy nói một điều nhịn chín điều lành nhưng cậu nhịn năm lần bảy lượt mà mọi sự vẫn không lành chẳng bằng tìm cách khác. Tôi vừa nghĩ ra một cách cậu có muốn nghe không?”
“Anh có cách gì?”
Dù Hạc biết phần nhiều không thể dùng cách của Thiên nhưng cậu vẫn thấy tò mò, đến cả người ăn nói cay nghiệt như bà ba còn chịu thua trước cái miệng của bà cả thì không hiểu Thiên nghĩ ra được cách gì đối phó với bà ta.
“Cậu xem khi nãy tôi nhắc đến ông lớn là bà cả lập tức cho qua chuyện ngay, vậy tức là bà e sợ ông lớn phải không nào? Từ giờ có chuyện gì cậu cứ báo trước với ông lớn, ông thương cậu như vậy chắc chắn sẽ đồng ý hết thôi. Còn nếu là chuyện chưa kịp thưa với ông thì cậu cứ nói dối, bà cả chẳng chạy đi hỏi ông lớn thật giả đâu, cho dù có bị phát hiện cậu cứ nói do tôi xúi giục cậu là được.”
Trong ánh mắt và cả gương mặt Hạc không có sự ngạc nhiên hay vui mừng như Thiên tưởng, mà ngược lại, đôi mày cậu còn khẽ chau vào.
Năm ấy thơ dại tuy chưa thấu lòng người nhưng Hạc đã biết bà cả không thích cậu, ý muốn phản kháng cũng sinh ra từ thời điểm ấy. Chỉ là khi cậu nói với người đó thì người chỉ kinh hãi khuyên cậu bỏ ý định đấy đi cố gắng nhún nhường là chuyện sẽ êm đẹp.
Êm đẹp sao? Chẳng có gì êm đẹp cả! Những lời trách mắng vô lí vẫn đổ lên đầu cậu đấy thôi. Ý nghĩ phản kháng trong cậu lại càng mãnh liệt, cậu đã từng nghĩ rất nhiều cách thậm chí còn nghĩ đến cách Thiên nói. Nhưng cuối cùng cái tát đau điếng cùng tiếng gào khóc cắt đứt tất cả.
Chẳng ngờ hôm nay lại vô tình nói đến chuyện này khiến Hạc rối bời. Mong muốn phản kháng cùng tiếng khóc như mớ tơ vò không biết cắt cái nào.
Hạc im lặng suy ngẫm bao nhiêu thì Thiên sốt ruột bấy nhiêu, sốt ruột cứ như đó là chuyện của chàng vậy. Thời điểm trước khi vào phủ đệ chàng có giúp người khác đấy, nhưng người ta mà đã tỏ ý không tha thiết thì chàng cũng chẳng lắm lời làm gì, dù sao cũng là chuyện của người ta. Nhưng kể từ khi chạm vào tấm lưng gầy trơ xương của Hạc chàng lại chẳng thể ngó lơ cậu chủ nhỏ này.
“Cậu hãy nghe tôi nói.” – Thiên quyết định lên tiếng thuyết phục. – “Cậu đừng sợ phiền ông lớn cũng đừng sợ ông không đồng ý, không ai là không biết ông lớn yêu thương cậu đến mức nào dù sao cậu cũng là mụn con duy nhất của ông, hơn nữa tôi biết cậu sẽ không bao giờ đòi hỏi chuyện quá đáng thì sao ông không đồng ý được?”
Nghe vậy Hạc ngẩn người nghĩ.
“Không bao giờ đòi hỏi chuyện quá đáng sao? Ai mà biết được sau này ta có làm ra chuyện ấy hay không?”
Trước ánh mắt tỏ ý dò hỏi của Thiên Hạc hơi lúng túng nhìn đi chỗ khác, cậu ngập ngừng.
“Không, ta không lo chuyện ấy. Chỉ là ta…” – Hai cánh môi mấp máy toan nói gì đó nhưng rốt cuộc Hạc lại bỏ dở câu nói, chỉ là cậu cảm thấy chuyện khó vẹn toàn.
“Không lẽ cậu định mặc bà cả móc mỉa cậu như bây giờ?” – Thiên quá sốt ruột mà gằn giọng hỏi, ngừng lại giây lát chàng dịu giọng nói tiếp. – “Nhẫn nhịn đúng chuyện mọi sự sẽ lành, nhưng nhẫn nhịn quá mức sẽ dâng cơ hội cho người khác làm càn. Bà cả thuộc về bên nào ắt cậu đã rõ.”
Lại thêm một khoảng lặng trôi qua, Hạc đột nhiên cất lời nhưng không trả lời câu hỏi của Thiên mà cậu lại hỏi.
“Ta mà nói là anh xúi giục thì anh sẽ bị đánh đấy, không sợ hả?”
Thiên hiểu Hạc không có ý trả lời chàng nhưng cái cách lơ sang chuyện khác thế này cũng quá lộ liễu rồi!
Thiên thở dài tỏ ý bất lực, chàng mỉm cười chẳng cần nghĩ ngợi gì lập tức trả lời.
“Làm gì có ai bị đánh mà không sợ đâu, nhưng thà rằng tôi bị đánh còn hơn là nhìn cậu chịu khổ, hơn nữa giờ tôi đã là người của cậu rồi đương nhiên phải bảo vệ cậu.” – Nói xong Thiên cảm thấy hơi ngượng nghịu, chẳng hiểu sao hôm nay chàng lại nói ra nhiều lời như bày tỏ tâm tình đến vậy, chàng vội chen vào vài câu nói đùa để lảng tránh. – “Mà tôi nói chứ chắc gì cái ngón phạt gậy này đã thấm bằng chổi lông gà của mẹ tôi. Cậu không tưởng tượng nổi mẹ tôi đánh đau thế nào đâu. Hồi tôi còn bé hàng xóm láng giềng suốt ngày thấy cảnh tôi ôm cái mông đỏ chót như mông khỉ chạy trước còn mẹ tôi cầm chổi lông gà chạy sau. Đến bây giờ nhìn thấy cái chổi lông gà treo ở xó nhà tôi vẫn thấy nhức hết cả mông đây này.”
Nghĩ đến cảnh Thiên vẫn còn là thằng nhóc loắt choắt vừa ôm mông kêu gào vừa chạy khắp làng Hạc không nhịn được mà cười thành tiếng.
Đây là lần thứ hai Thiên thấy Hạc cười thành tiếng kể từ khi vào phủ, theo hầu cậu một thời gian chàng nhận ra cậu rất ít khi cười có cười cũng chỉ là cái mỉm cười rất nhẹ, nhiều khi môi cười mà mắt lại chẳng cười bởi thế có những người nói cậu trông khó gần mà lại u sầu.
Với Thiên mà nói nụ cười này của Hạc khó thấy cũng đáng bởi nó sao mà lại đẹp quá. Tiếng cười của cậu không thô lỗ sỗ sàng cũng chẳng uỷ mị thái quá mà là một tiếng cười dễ nghe như tiếng đàn. Tiếng cười ấy như có bùa mê thuốc lú khiến Thiên bị hút hồn, chàng cứ ngẩn ra mà say mê nhìn đôi môi nhạt màu của cậu, có điều chưa kịp nhìn đủ đã bị tiếng hò hét ngoài sân phá bĩnh.
“Bẩm cậu cả, thầy đến rồi cậu ơi!!!”
Chưa thấy bóng dáng Lúa đâu nhưng cái giọng của gã đã vang khắp khu nhà rồi, chẳng rõ gã đứng ở mép cửa từ khi nào, nhưng gã không vào ngay mà vươn cổ ngó vào trong, thấy không có bóng dáng bà cả Lúa mới vui mừng chạy vào thưa.
“Tôi tưởng bà cả vẫn còn ở đây nên mời thầy ngồi uống trà ở nhà chính, thế giờ tôi quay lại mời thầy vào dạy nhé cậu?”
“Để ta đi mời thầy, anh ở lại dọn bàn trà này giúp ta.” – Hạc cau mày nhìn chén trà dính son trên mặt bàn, trong giọng nói lạnh lùng. – “Nhớ rửa thật kĩ ấm chén, còn cái chén dính son này đập đi cho ta.”
– —
Chú thích:
(1) An nhân: theo sách Đại Nam thực lục “Bính Tuất, năm Minh Mệnh thứ 7 (1826)… Phẩm cấp vợ các quan văn võ (Không phân biệt chánh tòng):
Nhất phẩm: Phu nhân.
Nhị phẩm: Phu nhân.
Tam phẩm: Thục nhân.
Tứ phẩm: Cung nhân.
Ngũ phẩm: Nghi nhân.
Lục phẩm: An nhân.
Thất phẩm: An nhân.
Bát phẩm: Nhụ nhân.
Cửu phẩm: Nhụ nhân.”