[Dịch] Kiếm Lai - Tàng Thư Viện - Chương 420: Núi sông như trước (phần 2)
Tại Long Tuyền kiếm tông, tông chủ Nguyễn Cung vừa mới thu nhận hơn mười đệ tử ký danh, cuối cùng đã khiến mấy ngọn núi vắng vẻ có thêm một chút không khí. Còn như cuối cùng thánh nhân Nguyễn Cung sẽ thu mấy người làm đệ tử thân cận, nhất thời nghị luận sôi nổi.
Sở dĩ có những đệ tử tạm thời ghi danh vào Long Tuyền kiếm tông này, phải quy công cho họ Tống Đại Ly đã coi trọng đại sư đúc kiếm Nguyễn Cung. Triều đình đã đặc biệt chọn ra mười hai đứa trẻ và thiếu niên thiếu nữ có tư chất cực tốt, lại sai một ngàn kỵ binh tinh nhuệ hộ tống, đưa đến dưới chân núi Long Tuyền kiếm tông.
Khi đó Nguyễn Cung đang mở lò đúc kiếm, cũng không lộ diện, chỉ giao cho một thanh niên áo bào đen vừa bước vào cảnh giới Kim Đan không lâu phụ trách tiếp đãi.
Sau khi biết thanh niên áo bào đen này là cảnh giới Kim Đan hàng thật giá thật, ánh mắt của những đứa trẻ kia đều trở nên nóng bỏng. Thực ra với danh tiếng của thánh nhân Nguyễn Cung, giáp sĩ tinh nhuệ của triều đình Đại Ly đảm nhiệm tùy tùng, cộng thêm chiêu bài chữ “Tông” của Long Tuyền kiếm tông, đã sớm lưu lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những đứa trẻ này.
Con đường tu hành trong truyền thuyết, trở thành tiên nhân trên núi, thực ra tràn đầy nguy hiểm và những điều không biết. Nếu có thể gia nhập Long Tuyền kiếm tông, được Nguyễn thánh nhân nhìn trúng, cuối cùng trở thành đệ tử thân cận, ít nhất sẽ thuận lợi bước vào thần tiên năm cảnh giới trung.
Trong đội ngũ mười hai người, có một người được đánh giá là phôi kiếm bẩm sinh rất hiếm thấy, dĩ nhiên có thể nuôi dưỡng ra phi kiếm bản mệnh. Ba người khác có tư chất địa tiên, tám người còn lại đều là nhân tài tu đạo có hi vọng bước vào năm cảnh giới trung. Từ đó có thể thấy, họ Tống Đại Ly xem như đã dốc hết sức nâng đỡ Nguyễn Cung.
Mười hai người ở lại trên núi. Nguyễn Cung đang trong thời kỳ đúc kiếm, chỉ bớt thời gian lộ diện một lần. Sau khi xác định tư chất tu hành đại khái của mười hai người, liền giao cho mấy đệ tử đích truyền thay phiên truyền đạo, tiếp đó sẽ là một quá trình sàng lọc không ngừng.
Đối với Nguyễn Cung của Long Tuyền kiếm tông, có thể trở thành luyện khí sĩ hay không chỉ là viên gạch đầu tiên. Trong mắt của ông ta, thiên phú tu đạo và tâm tính gốc rễ càng quan trọng hơn.
Sau khi lên núi những người này mới biết, hóa ra Nguyễn tông chủ còn có một con gái tên là Nguyễn Tú, thích mặc quần áo màu xanh, cột tóc đuôi ngựa, khiến người ta nhìn thấy khó quên. Một số thiếu niên trong lòng càng rộn ràng, chỉ là không dám bộc lộ những tâm tư này.
Những đệ tử vào sau của Long Tuyền kiếm tông, đều thích gọi Nguyễn Tú là đại sư tỷ. Nguyễn Tú đối xử với ai cũng ôn hòa, nhưng cũng không đặc biệt thân cận với người nào. Nàng đã nói chuyện với bọn họ mấy lần, nhưng vẫn không cách nào thay đổi, đành mặc cho bọn họ gọi mình là đại sư tỷ.
Lâu ngày có một số đệ tử đã bộc lộ tài năng, cũng có một số dần dần cảm thấy vất vả. Trong sơn môn vốn đã rất kỳ lạ này, bọn họ lại phát hiện đại sư tỷ chính là người kỳ lạ nhất.
Trước giờ người khác không thấy nàng tu hành, mỗi ngày đều ru rú trong nhà, giúp tông chủ rèn sắt đúc kiếm ở cấm địa lò kiếm, hoặc là đi lang thang ở mấy ngọn núi. Ngoại trừ núi Thần Tú của tông môn và mấy ngọn núi cách hơi xa, xung quanh núi Thần Tú còn có núi Bảo Lục, đỉnh Thải Vân và núi Tiên Thảo. Sau đó rất lâu mọi người mới biết, ba ngọn núi này vốn là sư môn thuê của người nào đó ba trăm năm, thực ra không thuộc về Long Tuyền kiếm tông.
Nguyễn Tú ngoại trừ một mình đi dạo giữa núi sông, còn nuôi nấng gà mẹ và gà con lông xù trong sân. Thỉnh thoảng nàng sẽ đứng từ xa, nhìn vị đồng môn cảnh giới Kim Đan kia giảng giải kỹ càng bước đi tu hành cho mọi người, truyền thụ pháp môn thổ nạp bí truyền của Long Tuyền kiếm tông, phân tích một bộ kiếm thuật thượng thừa nghe nói đến từ miếu Phong Tuyết.
Trước giờ nàng không đến gần mọi người, chỉ dùng tay nâng một chiếc khăn, trên đó đặt bánh ngọt giống như một ngọn núi nhỏ, chậm rãi ăn. Lúc tới thì mở khăn ra, ăn xong liền rời đi. Một số đệ tử thông minh lanh lợi phát giác được, sau khi đại sư tỷ rời đi, nhị sư huynh vốn là địa tiên cảnh giới Kim Đan kia mới khẽ thở ra một hơi.
Ngoại trừ đại sư tỷ Nguyễn Tú, bọn họ còn có nhị sư huynh gần như là nửa sư phụ, tam sư tỷ quanh năm sống một mình bên bờ sông Long Tu, cùng với thiếu niên tứ sư huynh họ Tạ, trời sinh có một đôi lông mày dài. Tạ sư huynh tuổi tác không lớn, trước giờ cũng không hòa nhã với vãn bối, nhưng lại là người phụ trách giới luật của Long Tuyền kiếm tông.
Lúc đầu còn có một số sư đệ oán giận tứ sư huynh này quá nghiêm khắc lạnh nhạt, không hề niệm tình đồng môn. Nhưng sau đó nghe được một tin đồn ở trấn nhỏ, khiến mọi người đều cảm thấy rung động không thôi. Nhà tổ của Tạ tứ sư huynh ở ngõ Đào Diệp, trong nhà có một vị lão tổ vẫn còn khỏe mạnh, đó là một vị thiên quân Đạo gia của Bắc Câu Lô Châu, tiên nhân cảnh giới thứ mười hai.
Trước khi lên núi, trong mười hai người, chỉ có vài người biết được địa tiên trên thế gian chia ra thành Kim Đan và Nguyên Anh. Còn như sau cảnh giới Nguyên Anh, chưa ai từng nghe nói đến, bọn họ lầm tưởng đó đã là cảnh giới cao nhất của luyện khí sĩ rồi.
Sau khi lên núi, nhị sư huynh áo bào đen luôn nghiêm túc, cũng là một trong số đệ tử khai sơn của Nguyễn Cung, đã giải thích đại khái về phân chia cảnh giới của luyện khí sĩ. Lúc này bọn họ mới biết về năm cảnh giới cao, còn có cảnh giới Ngọc Phác và cảnh giới Tiên Nhân.
Sau đó ngoại trừ mấy đứa trẻ không rành thế sự hoặc thật sự vô tâm, những người còn lại nhìn thấy tứ sư huynh thích ngiêm mặt dạy người, gần như đều không dám thở mạnh. Chỉ khi ở trước mặt đại sư tỷ Nguyễn Tú, tứ sư huynh mới tươi cười. Hơn nữa trên cả ngọn núi, cũng chỉ có hắn không gọi là đại sư tỷ, mà gọi là Tú Tú tỷ.
Có điều Nguyễn Tú hình như cũng không quá thân thiết với hắn, chuyện này khiến rất nhiều thiếu niên gia nhập sau tâm lý dễ chịu hơn. Dù sao mọi người đều không được đại sư tỷ coi trọng, đương nhiên không cần cảm thấy mất mát.
Hôm nay Nguyễn Cung lại lộ diện, lời ít mà ý nhiều, chỉ nói hai chuyện rồi trở về lò kiếm.
Một chuyện là chỉ cần trở thành đệ tử thân cận, Nguyễn Cung sẽ đích thân đúc cho người đó một thanh kiếm.
Nên biết Nguyễn tông chủ được xem là người đúc kiếm đứng đầu Bảo Bình châu. Cho nên không cần nói tới mười hai người kia, ngoại trừ Tạ tứ sư huynh vẫn thản nhiên, ngay cả nhị sư huynh, cùng với tam sư tỷ vừa chạy về núi nghe ân sư dạy bảo, cũng có vẻ kích động không thể kiếm chế.
Chuyện thứ hai là hôm nay Long Tuyền kiếm tông lại mua một ngọn núi mới. Nguyễn Cung khuyến khích mấy câu, nói rằng tương lai có người bước vào cảnh giới Nguyên Anh, sẽ có tư cách cử hành nghi thức mở núi ở Long Tuyền kiếm tông, một mình chiếm giữ một ngọn núi.
Thực ra Đổng Cốc là tu sĩ kiếm tông thứ nhất bước vào địa tiên, dựa theo ước định ban đầu, có thể phá lệ mở núi, chọn một ngọn núi làm phủ đệ tu hành của mình. Long Tuyền kiếm tông cũng sẽ công bố chuyện này với thiên hạ. Nhưng Đổng Cốc lại từ chối, xin Nguyễn Cung chờ mình bước vào cảnh giới Nguyên Anh, mới danh chính ngôn thuận mở núi. Nguyễn Cung đã đồng ý.
Từ Tiểu Kiều được đám sư đệ sư muội gọi là tam sư tỷ, một lần nữa xuống núi, đi tới cửa tiệm bên bờ sông Long Tu vốn là gốc rễ của kiếm tông. Nguyễn Tú lần đầu tiên đi cùng với cô, chuyện này khiến Từ Tiểu Kiều cảm thấy vừa mừng vừa lo.
Tứ sư huynh Tạ Linh muốn đi theo bọn họ, kết quả Nguyễn Tú không nói gì, chỉ nhìn hắn. Tạ Linh liền biết khó mà lui, ngoan ngoãn ở lại trên núi.
Lúc đi bộ xuống núi, Nguyễn Tú hỏi:
– Thực ra ngươi mới là đại đệ tử khai sơn của cha ta. Chỉ vì Đổng Cốc kết đan trước, mới khiến cho ngươi bị những người kia gọi là tam sư tỷ, có khó chịu không?
Từ Tiểu Kiều năm xưa bị miếu Phong Tuyết trục xuất khỏi sơn môn, thành thật trả lời:
– Tâm lý sẽ khó chịu, nhưng Đổng Cốc làm nhị sư huynh, chuyện này ta không có ý kiến.
Nguyễn Tú không nói gì.
Từ Tiểu Kiều năm xưa tay cầm kiếm đã bị đứt ngón cái, trầm mặc một lúc, hỏi:
– Đại sư tỷ, một ngày kia, ta thật sự có thể bước vào cảnh giới Nguyên Anh sao?
Nguyễn Tú thẳng thắn nói:
– Tương đối khó. So với Đổng Cốc trong vòng trăm năm nhất định sẽ là Nguyên Anh, ngươi có rất nhiều biến số. Có lẽ kết đan sẽ dễ dàng hơn hắn, đến lúc đó cha ta sẽ giúp ngươi, cũng không thiên vị Đổng Cốc mà xem nhẹ ngươi. Nhưng ngươi muốn bước vào cảnh giới Nguyên Anh, sẽ khó hơn Đổng Cốc rất nhiều.
Sắc mặt Từ Tiểu Kiều ảm đạm. Những tiên gia bình thường, có thể trở thành tu sĩ cảnh giới Kim Đan đã là may mắn rất lớn, sau khi thắp nhang cho bài vị tổ tông, có thể về đắp chăn lén cười rồi. Nhưng ở Long Tuyền kiếm tông này, trong mắt Từ Tiểu Kiều đã nhìn thấy cảnh tượng trên đỉnh núi miếu Phong Tuyết, tu sĩ cảnh giới Kim Đan vẫn còn kém xa không đủ.
Không ngờ Nguyễn Tú lại bồi thêm một câu:
– Còn sư đệ Tạ Linh của các ngươi, sẽ là đệ tử đầu tiên của Long Tuyền kiếm tông bước vào cảnh giới Ngọc Phác. Nếu bây giờ ngươi đã ghen tị với Tạ Linh, tin rằng đời này ngươi sẽ càng ghen tị hơn.
Từ Tiểu Kiều mím môi, bước chân nặng nề.
Trong ba đệ tử khai sơn của sư phụ Nguyễn Cung, Đổng Cốc là người có xuất thân thấp hèn nhất, vốn là thú vật rừng núi thành tinh. Nhưng hôm nay hắn lại lắc mình biến hóa, trở thành nhị sư huynh địa tiên cảnh giới Kim Đan của Long Tuyền kiếm tông, được mọi người kính trọng.
Tạ Linh là dân chúng sinh trưởng ở trấn nhỏ, nhỏ tuổi nhất, vốn chưa từng chịu khổ, nhưng lại là người có phúc duyên sâu dày nhất. Chẳng những trong gia tộc có một vị lão tổ tông là thiên quân Đạo gia, thậm chí còn khiến cho một vị chưởng giáo Đạo gia địa vị siêu nhiên, cao hơn ngoài trời, tự tay tặng cho một lung linh bảo tháp sánh ngang với tiên binh.
Chỉ có Từ Tiểu Kiều cô là thân thế gập ghềnh nhất, tu hành cần cù nhất, đại đạo lại không bằng phẳng nhất.
Nguyễn Tú bẻ một nhánh cây bên đường núi, cầm trong tay, chậm rãi nói:
– Cảm thấy người so sánh với nhau thì tức chết, đúng không?
Vành mắt Từ Tiểu Kiều đỏ bừng.
Nguyễn Tú đột nhiên mỉm cười, nhẹ giọng nói một câu:
– Tuy nói đến ngày kim thân của ngươi mục nát, hoàn toàn chết già, có lẽ vẫn kém xa Tạ Linh và Đổng Cốc, nhưng ta vẫn thích ngươi hơn một chút. Có điều chuyện này hình như chẳng có tác dụng gì với việc tu hành của ngươi.
Từ Tiểu Kiều quay đầu, dùng mu bàn tay lau khóe mắt, sau đó cười nói với Nguyễn Tú:
– Đại sư tỷ, cảm ơn tỷ.
Nguyễn Tú dừng bước, gật đầu nói:
– Cảm ơn ta? Vậy lần sau lên núi nhớ mang cho ta một ít bánh ngọt, chắc ngươi đã biết cửa tiệm ở ngõ Kỵ Long rồi.
Từ Tiểu Kiều ngẩn ra, bỗng nở nụ cười tươi như hoa:
– Đại sư tỷ của ta ơi!
Nguyễn Tú cười theo.
Nguyễn Tú chỉ tiễn Từ Tiểu Kiều đến chân núi, đứng dưới tấm biển “Long Tuyền kiếm tông” do hoàng đế Đại Ly, hoặc nói chuẩn xác là tiên đế ban tặng. Từ Tiểu Kiều từ biệt Nguyễn Tú, sau đó vận chuyển khí tức, chân đạp phi kiếm, ngự gió bay đi.
Ở quận Long Tuyền, đây là đãi ngộ chỉ đệ tử Long Tuyền kiếm tông mới có. Nếu đổi thành địa tiên khác dám bay lên trời, Nguyễn Cung sẽ không quan tâm đến phong thái thánh nhân gì đó. Từ mấy nhóm tu sĩ Đại Ly đầu tiên tới thăm dò, cho đến kiếm tu Tào Tuấn sau này, đều đã lĩnh giáo quy củ của Nguyễn Cung, hoặc chết hoặc bị thương.
Nguyễn Tú đứng ở chân núi, ngẩng đầu nhìn tấm biển kia. Nguyễn Cung vốn không thích kiếm tông có thêm hai chữ “Long Tuyền”, ba đệ tử khai sơn Từ Tiểu Kiều đều biết rõ chuyện này. Nguyễn Cung hi vọng trong ba người, tương lai sẽ có người lấy xuống hai chữ “Long Tuyền”, chỉ dùng “Kiếm tông” đứng sừng sững trên đỉnh dãy núi Bảo Bình châu, người đó sẽ là tông chủ đời kế tiếp.
Nguyễn Tú hiểu được vướng mắc trong lòng của cha, nhưng mỗi lần cha lén lút bảo nàng dụng tâm tu hành hơn một chút, nàng ngoài miệng đáp ứng, trong đầu lại toàn là bánh ngọt và thịt hầm măng.
Chuyện này khiến Nguyễn Tú hơi hổ thẹn. Thế là nàng từ bỏ ý định, không đi nói với cha về việc cải thiện cơm nước cho đám sư đệ sư muội, mỗi bữa ăn cho thêm đồ mặn. Đáng thương cho đám sư đệ sư muội không có lộc ăn, cái chức đại sư tỷ mà nàng cũng không muốn thừa nhận này, quả thật làm không đủ tốt.
Lúc Nguyễn Tú tràn đầy áy náy, xoay người lên núi, Nguyễn Cung lại lặng lẽ rời khỏi núi Thần Tú, đi tới dinh quan quận chủ ở quận thành Long Tuyền.
Quận chủ Ngô Diên chờ đợi đã lâu, không hề khách sáo hàn huyên với thánh nhân Nguyễn Cung, mà là trực tiếp nói rõ công việc.
Hôm nay trong lãnh thổ Đại Ly, một số thế lực trên núi rất có thể do nước khác bồi dưỡng, đã rục rịch muốn hành động. Nhất là từ đầu xuân đến nay, đã có ba lần xảy ra xung đột lớn, trong đó niêm can lang tử trận bảy người, khiến triều đình rất tức giận.
Sau khi biết được quá trình xung đột và ý nguyện của triều đình Đại Ly, Nguyễn Cung ngẫm nghĩ nói:
– Ta sẽ bảo ba người Tú Tú, Đổng Cốc và Từ Tiểu Kiều ra mặt, nghe theo người phụ trách chuyện này của triều đình Đại Ly các ngươi.
Ngô Diên hiển nhiên có phần bất ngờ và khó xử:
– Tú Tú cô nương cũng muốn rời khỏi quận Long Tuyền?
Thực ra Nguyễn Cung và họ Tống Đại Ly đã sớm có minh ước bí mật, chức trách và thù lao của hai bên đã sớm quy định trong giấy trắng mực đen, hết sức rõ ràng.
Nhưng những năm qua đều là triều đình Đại Ly đang “cho”, lại không hề “nhận” bất cứ thứ gì. Lần này Long Tuyền kiếm tông dựa theo ước định, cống hiến cho triều đình Đại Ly. Trong mật thư dùng phi kiếm đưa đến, Lễ bộ thị lang đã sớm dặn dò, chỉ cần Nguyễn thánh nhân chịu phái một mình địa tiên Đổng Cốc cảnh giới Kim Đan ra trận, đã xem như đủ thành ý rồi, tuyệt đối không thể đòi hỏi Long Tuyền kiếm tông quá mức.
Ngô Diên đương nhiên không dám tự tiện chủ trương. Cho nên sau khi biết được Nguyễn Tú cũng muốn rời núi, về tình về lý hắn đều cảm thấy không ổn.
Có lẽ biết vì sao Ngô Diên và triều đình Đại Ly lại cảm thấy khó xử, Nguyễn Cung cười nói:
– Yên tâm, ta sẽ dặn dò Tú Tú, chuyến này nó rời núi làm việc sẽ cố gắng không ra tay. Hơn nữa cho dù xảy ra bất ngờ, ta cũng sẽ không giận cá chém thớt với Đại Ly các ngươi.
Ngô Diên vẫn không dám tự tiện đáp ứng. Nguyễn Cung nói thì nói vậy, nhưng Ngô Diên hắn nào dám tin là thật. Thế sự phức tạp, chỉ cần xảy ra sơ suất lớn, tình nghĩa giữa triều đình Đại Ly và Long Tuyền kiếm tông há sẽ không bị tổn hại?
Họ Tống dốc nhiều tâm huyết như vậy, một khi trôi theo dòng nước, toàn bộ Đại Ly e rằng chỉ có tiên sinh Thôi Sàm là gánh vác được. Cho nên Ngô Diên cũng không hàm hồ, nói rằng nhất định phải báo cáo lên Lễ bộ trước.
Nguyễn Cung gật đầu nói:
– Không sao, quận chủ đại nhân sớm trả lời cho ta là được.
Sau đó ông ta hỏi:
– Ta muốn từ trong hình đồ di dân họ Lư, chọn ra mấy người làm đệ tử ký danh của kiếm tông. Ngài có thể đồng thời báo cáo lên triều đình, xem thử có đồng ý hay không. Lỡ may xảy ra xung đột với mấy nhóm niêm can lang kia, các người cũng dễ chuẩn bị tâm lý.
Ngô Diên cười khổ nói:
– Được rồi.
Nói xong chuyện chính, Nguyễn Cung rời đi như gió, không hề chần chừ. Lưu lại một Ngô quận chủ mặt ủ mày chau, suy nghĩ tìm từ, không biết nên đặt bút nói hai chuyện này với triều đình thế nào.
Dưới tay quốc sư Thôi Sàm, triều đình Đại Ly đã xây dựng một cơ cấu ngầm cực kỳ bí mật, trong đó tất cả thành viên đều được gọi là niêm can lang. Mỗi lần phụng mệnh rời kinh, sẽ đi ba người một nhóm, bảo gồm một người của Khâm Thiên giám, một thầy tướng số, cùng với một thuật sĩ Âm Dương gia.
Bọn họ phụ trách giúp Đại Ly tìm kiếm tất cả nhân tài thích hợp tu đạo trong địa phương. Một khi được niêm can lang nhìn trúng, cho dù là người đã được luyện khí sĩ lựa chọn nhưng tạm thời chưa dẫn lên núi, đều phải nhường lại cho niêm can lang. Đây đại khái cũng là nguồn gốc của danh xưng niêm can lang (người gắn cán) này.
Sau khi Thôi Sàm trở thành quốc sư, Đại Ly quốc thế hưng thịnh, trong lịch sử cũng đã từng ra tay vì chuyện này. Có điều sau vài lần, những tiên sư gia phả và tu sĩ sông núi của Đại Ly đều yên tĩnh hơn nhiều, bởi vì con hổ thêu kia quyết nâng đỡ niêm can lang đến cùng.
Tại một phủ đệ tiên gia có lão tổ cảnh giới Nguyên Anh trấn giữ, có một lão tu sĩ cảnh giới Kim Đan đã khảo nghiệm một thiếu niên dưới núi đến sáu năm, dốc lòng điêu khắc khối ngọc thô kia, chuẩn bị thu làm đệ tử chính thống thừa kế y bát. Kết quả có một nhóm niêm can lang đi qua, đã phát hiện ra thiếu niên là một hạt giống tốt.
Gặp phải niêm can lang ngang ngược không nói lý, lão tu sĩ cảnh giới Kim Đan giận đến nghiến răng nghiến lợi, thậm chí sẵn sàng đưa ra một số tiền thần tiên lớn, nhưng niêm can lang chỉ khăng khăng muốn dẫn thiếu niên kia đi. Hai bên không ngừng tranh chấp, cuối cùng dẫn đến một trận ác chiến. Niêm can lang bị đánh chết hai người, một người khác bỏ chạy.
Theo lý mà nói, hành vi và việc làm của lão tu sĩ cảnh giới Kim Đan phù hợp tình lý, cũng đã nể mặt triều đình Đại Ly. Hơn nữa ngọn núi của lão là động phủ tiên gia có thể đếm được trên đầu ngón tay ở Đại Ly. Nhưng kết quả vẫn bị sáu ngàn kỵ binh Đại Ly vây núi, gần trăm tên võ bí thư lang, cộng thêm mấy trăm cơ quan Mặc gia vô cùng quý hiếm, cùng với hơn trăm luyện khí sĩ và võ phu thuần túy được nha môn Hình bộ mời chào. Nói dễ nghe là diễn võ.
Chiến sự thảm liệt, Đại Ly thậm chí còn điều động tới thần Bắc Nhạc. Cuối cùng môn phái tiên gia lớn nhất ở biên cảnh phía bắc Đại Ly, giống như bị gọt mất nửa ngọn núi, nguyên khí đại thương, biến thành thế lực dưới đáy hạng hai. Lão tổ cảnh giới Nguyên Anh chết trận, lão tu sĩ cảnh giới Kim Đan thì bị võ tướng Đại Ly tự tay cắt đầu. Sau đó một tên kiếm tu mang theo chiếc đầu khô quắt chết không nhắm mắt kia, “đưa đầu” qua rất nhiều ngọn núi ở biên cảnh.
Sau chuyện này, đám thần tiên trên núi trong lãnh thổ Đại Ly đã bớt kiêu ngạo hơn nhiều. Ngay cả một số thế lực ngang ngược đã sớm nương nhờ triều đình Đại Ly, cũng bắt đầu dặn dò đệ tử trong môn phái một phen.
Nghe nói sau khi chiến sự hạ màn, quốc sư Tú Hổ rất ít khi rời khỏi kinh thành, đã xuất hiện trên đỉnh ngọn núi kia. Lão cũng không ra tay giết chết đám “nghịch tặc” còn sót lại trên núi, chỉ sai người dựng lên một tấm bia đá, nói là sau này sẽ dùng đến. Hôm nay tấm bia đá trên đỉnh núi kia vẫn không có chữ, không biết là quốc sư đại nhân đã quên chuyện cũ năm xưa, hay là thời cơ chưa tới.
———
Trên một đỉnh núi cao ở biên cảnh phía bắc Đại Ly, có một động phủ tiên gia đã cắm rễ nhiều năm. Một lão già áo nho vừa lên núi không lâu, đứng bên cạnh một tấm bia đá không khắc chữ, đưa tay đặt lên bia đá, quay đầu nhìn về phía nam.
Trên đỉnh núi chỉ có một mình lão già, không một ai đi theo. Tất cả những người thế hệ trước của môn phái tiên gia, đã trải qua trận tàn sát máu tanh năm đó, đều thấp thỏm bất an tụ tập cách đỉnh núi không xa. Còn đám đệ tử trẻ tuổi mà sơn môn mới thu nhận sau này, đều bị nghiêm lệnh không được rời khỏi phủ đệ phòng ốc của từng người. Ai dám tự tiện đi lại, sẽ trực tiếp đánh gãy cầu trường sinh, ném xuống chân núi.
Tất cả người già của môn phái đã từng ngồi tít trên cao ở phía bắc Đại Ly, lúc này đưa mắt nhìn nhau, đều nhìn ra sự lo lắng và bất đắc dĩ trong mắt đối phương. Bọn họ chỉ sợ quốc sư Đại Ly kia đột ngột ra lệnh một tiếng, sẽ báo thù muộn màng, nhổ cỏ tận gốc với ngọn núi chỉ vừa khôi phục được một chút sinh khí này.
Tú Hổ Thôi Sàm vẻ mặt nghiêm túc, đột nhiên mỉm cười, nghiền ngẫm nói:
– Chẳng phải Trần Bình An ngươi thích nói đạo lý sao, lần này ta muốn xem thử ngươi còn nói được nữa không.